Thứ Bảy | 27/07/2013 20:19

NHNN lý giải sự thiếu nhất quán về số liệu nợ xấu

NHNN lý giải rằng số liệu nợ xấu bất nhất là do việc trích dẫn số liệu từ các nguồn khác nhau ở thời điểm khác nhau.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng số liệu nợ xấu không phải là một con số bất biến mà thay đổi theo thời điểm thống kê số liệu, nguồn số liệu và phương pháp xác định.

Trước các ý kiến cho rằng cơ quan quản lý bất nhất về số liệu nợ xấu của ngành ngân hàng gần đây (khi thì 4,67%, 4,65%, khi thì khoảng 8%) Cơ quan Thanh tra - giám sát ngân hàng, thuộc NHNN chiều ngày 26-7 lý giải rằng đó là do việc trích dẫn số liệu từ các nguồn khác nhau của đại diện cơ quan quản lý ở những thời điểm khác nhau.

"Việc trích dẫn số liệu từ nguồn khác nhau mà không nói rõ nguồn, phương pháp xác định và thời điểm xác định dễ dẫn đến cho rằng sự thiếu nhất quán về số liệu nợ xấu", một văn bản giải thích về việc này của NHNN cho biết. Văn bản này lý giải rằng sự bất nhất đó là do, hiện Ngân hàng Nhà nước đang dựa trên hai nguồn số liệu khác nhau để giám sát tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bao gồm số liệu nợ xấu do các tổ chức tín dụng báo cáo và số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Thông thường, số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cao hơn và đáng tin cậy hơn so với số liệu nợ xấu do các tổ chức tín dụng báo cáo vì Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có nhiều nguồn thông tin khác nhau để đánh giá chất lượng nợ xấu của tổ chức tín dụng như thông tin chung về toàn hệ thống, Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) về khách hàng vay, thông tin từ hoạt động thanh tra tại chỗ…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình khi trao đổi với TBKTSG mới đây cũng cho rằng "chỉ có thể nói rằng nợ xấu Việt Nam cao, còn cao ở mức độ nào rất khó nói".

Bởi khi chúng tôi nói nợ xấu bao nhiêu thì chỉ có thể dựa trên quy định hiện hành về phân loại nợ hiện nay, báo cáo của từng tổ chức tín dụng, của CIC. Song ngay xuất phát điểm của mình đã có sự khác biệt rồi vì hệ thống phân loại nợ theo các quy định của mình đã khác với các tổ chức quốc tế khác.

"Mình phải chấp nhận con số nợ trên cơ sở các quy định của mình. Tất cả đều có tính tương đối và người quản lý phải biết chuyện đó để có ứng xử phù hợp, đừng bị những con số đó huyễn hoặc mà cần hiểu bản chất 8% hay 10% là gì, tại sao người ta nói 15% mà mình nói 10%", ông Bình nói, "Quan trọng nhất người quản lý phải hiểu đằng sau 10% đó là cái gì và các câu chuyện căn nguyên quanh con số đó. Cái quan trọng hơn con số chính là thực tiễn ta đang làm để tiến dần đến sự chính xác và minh bạch. Chừng nào còn các khoản nợ rơi vào tiêu chí xấu chúng tôi còn tiếp tục phải làm việc dù con số có thế nào đi nữa".

NHNN cũng nhấn mạnh rằng, thành lập VAMC chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay chứ không phải "cây đũa thần" hô biến nợ xấu.

"VAMC thực sự xử lý được bao nhiêu nợ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thị trường nợ Việt Nam còn rất nhỏ bé và hoàn toàn không công khai, chỉ mang tính quan hệ giữa các tổ chức có liên hệ trực tiếp với nhau. Chính vì thế chúng tôi được phép bán đấu giá tài sản liên quan đến nợ, mua bán nợ và quản lý những khoản nợ khá lớn, đó là những cú hích ban đầu. Tôi mong rằng VAMC sẽ góp phần gây dựng một thị trường mua bán nợ công khai", Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nói với phóng viên.

VAMC được thành lập để giúp tổ chức tín dụng có thời gian (5 năm) để phân bổ dần chi phí trích lập dự phòng rủi ro, tránh ghi nhận toàn bộ tổn thất về nợ xấu ngay lập tức.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước không có điều kiện hỗ trợ tài chính cho xử lý nợ xấu của các TCTD, chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là TCTD, khách hàng vay phải gánh chịu chi phí xử lý nợ xấu; Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để TCTD xử lý nợ xấu.

Sau 5 năm, ngay cả khi khoản nợ xấu không thể xử lý được thì TCTD cũng đã trích lập đủ dự phòng để xử lý khoản nợ đó. Đồng thời, 5 năm tới nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và điều kiện thị trường sẽ cải thiện nhiều hơn trong một chu kỳ kinh tế mới thì TCTD có thêm cơ hội để xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, do phần lớn nợ xấu của các TCTD hiện nay là nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản, việc xử lý, bán tài sản đảm bảo trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay là rất khó khăn, giá trị thu hồi nợ xấu rất thấp. Bản thân các TCTD tự xử lý tài sản bảo đảm cũng bị chậm trễ do khách hàng vay không hợp tác, vướng các thủ tục pháp lý, thủ tục khởi kiện và xét xử của tòa án, tiến trình thi hành án xử lý tài sản bảo đảm...

Tuy nhiên, với các cơ chế hoạt động, một số quyền hạn đặc thù, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, VAMC sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thu hồi vốn cho các TCTD. Một nhóm các biện pháp xử lý nợ của VAMC được thiết kế để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp như: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các khách hàng có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


Sự kiện