NHNN: Lãi suất cho vay không thể giảm nhanh như mong đợi
NHNN cho biết, ngay từ ngày đầu tuần, một số TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi dưới 1 năm về mức 7-7,5%, giảm lãi suất tiền gửi trung dài hạn xuống khoảng 10,5%/năm từ 11-12%/năm trước đây.
Nhìn chung, các TCTD đã có nhiều nỗ lực trong việc hạ lãi suất huy động, tính toán các mức lãi suất theo hướng ưu tiên tiền gửi dài hạn, làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hàng loạt chương trình cho vay quy mô lớn với lãi suất ưu đãi đã được triển khai. Do đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 21/3 đã tăng 0,31% so với cuối tháng trước, riêng tín dụng VND tăng 0,69%.
NHNN cũng cho rằng, việc giảm lãi suất đang diễn ra theo tín hiệu thị trường, nổi bật là diễn biến lạm phát. NHNN đã tính toán cụ thể quy mô và mức độ can thiệp cần thiết, tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Về phía NHNN, hạ mặt bằng lãi suất xuống mức nào là vấn đề phải được cân nhắc kỹ lưỡng, sau khi đã liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt trong thời gian rất ngắn. Về vấn đề này, việc cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất tiết kiệm dài hạn cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời giúp các TCTD tái cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng dần tỉ trọng tiền gửi dài hạn, qua đó sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế.
Theo đánh giá của NHNN, nhìn chung, các động thái giảm mặt bằng lãi suất đã có tác động tích cực, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không thể giảm nhanh như mong đợi, mà phải có độ trễ nhất định do tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thập kỷ qua với phần lớn lượng vốn được chuyển vào thị trường bất động sản, cả lãi suất và lạm phát cùng song hành đi lên.
Dự báo về thời gian tới, NHNN cho rằng, thị trường tài chính đã có dấu hiệu khởi sắc, hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, an toàn và đang có xu hướng phát triển bền vững. Cộng với nỗ lực của các TCTD trong việc phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hy vọng từ quý II/2013, tín dụng sẽ tăng trở lại, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6% trong năm nay.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay rất khó giảm tương ứng với lãi suất huy động do nhiều khoản nợ cũ với lãi suất cao vẫn chưa được xử lý. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan quản lý, nhất là Chính phủ.
NHNN cho rằng, Chính phủ cần tạo ra nguồn cầu dài hạn cho nền kinh tế theo hướng khởi động lại các gói kích cầu để tăng tiêu dùng và đầu tư, có chính sách bù đắp một phần lãi suất đối với những khoản vay được các ngân hàng tiến hành giãn nợ và khoanh nợ, trước hết là đối với những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và công nghệ tiên tiến nhưng do hàng tồn đọng nên chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nguồn Khampha