Thứ Hai | 04/03/2013 15:20

NHNN khó can thiệp thị trường vàng trong dài hạn

Nguyên nhân do NHNN không thể nhập vàng tùy ý bởi sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá và kinh tế vĩ mô, trong khi dự trữ ngoại hối vàng có hạn.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố sẽ thử nghiệm đấu thầu vàng miếng, giá vàng trên thị trường sụt giảm mạnh, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm từ 5 triệu đồng/lượng, xuống còn 2,8 triệu đồng/lượng.

Đa phần ý kiến cho rằng, giá vàng giảm là do tác động của chính sách, song dường như chính sách gặp may, khi giá vàng thế giới đang giảm ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.

Kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về việc NHNN can thiệp thị trường vàng trong vai trò là người mua bán cuối cùng rất lớn. Song cũng nhiều ý kiến lo ngại, với cung - cầu vàng trên thị trường hiện nay, NHNN khó đủ lực để can thiệp thị trường lâu dài.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam nêu vấn đề: “Giả sử khi vàng hạ tiếp, người dân tiếp tục mua vào, thay vì bán tháo. Lúc đó, liệu các ngân hàng thương mại, công ty kinh doanh vàng có đủ vàng để bán cho người dân?”.

Đây là một giả thiết thực tế. Minh chứng cho thấy, ngày 28/2, ngay khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống còn 2,8 triệu đồng/lượng, người dân đã ồ ạt mua vào, khiến giá vàng quay đầu đi lên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được đẩy lên trên 4 triệu đồng/lượng. Nếu tới đây, khi NHNN bán vàng ra can thiệp, người dân tiếp tục mua vào, NHNN sẽ đủ sức can thiệp tới đâu?

Trong quá khứ, NHNN đã từng thành lập nhóm G5+1 để bán vàng ra bình ổn thị trường, song không thành công khi cầu quá lớn mà nguồn cung lại hạn chế.

Tất nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, do NHNN độc quyền vàng SJC và nắm quyền xuất nhập khẩu vàng, nên có thể can thiệp thị trường sâu rộng hơn. Song điều này không có nghĩa rằng, NHNN muốn nhập bao nhiêu vàng tùy ý, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, đến kinh tế vĩ mô, trong khi dự trữ ngoại hối về vàng có hạn. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn chưa dừng lại trước bối cảnh kinh tế dự báo tiếp tục khó khăn.

Chắc chắn, trước mắt, giải pháp NHNN đứng ra mua, bán vàng để bình ổn thị trường sẽ có tác dụng, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Tuy nhiên, về lâu dài, NHNN có thể không đủ lực can thiệp, hoặc nếu gắng sức can thiệp sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, khiến tình trạng vàng hóa quay lại.

Do đó, muốn để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, NHNN cần giảm dần biện pháp hành chính, thay vào đó là thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, giảm thói quen mua bán vàng vật chất. Đồng thời, tiếp tục chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tăng giá trị tiền đồng, làm giảm tâm lý tích trữ vàng của người dân.

“Để giá vàng trong nước và thế giới liên thông, cần lập sàn vàng quốc gia. Sàn vàng này phải do Nhà nước đứng ra quản lý, niêm yết mã vàng như niêm yết mã chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều có thể tham gia. Như vậy, giá vàng sẽ chấm dứt sự chênh lệch, thị trường vàng cũng chấm dứt tình trạng buôn lậu, mà Nhà nước lại thu được thuế”, TS. Nguyễn Minh Phong khuyến cáo.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện