Thứ Ba | 14/05/2013 14:46

NHNN đăng bài viết "Cần lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02"

Theo bài viết này, nếu Thông tư 02 được áp dụng, tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng có thể tăng 3-4% hiện nay lên 10-20%, thậm chí cao hơn.
Ngày 21/1/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN qui định việc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2013.

Sự ra đời của Thông tư 02 đánh dấu bước ngoặt về cải cách môi trường pháp lý trong hoạt động của TCTD, giúp các TCTD cơ cấu lại toàn bộ nợ quá hạn và nợ nghi ngờ theo những tiêu chí chung, nâng cao khả năng ứng phó với những biến động về kinh tế và tài chính trong tương lai.

So với các qui định trước đây, đặc biệt là quyết định 493/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, Thông tư 02 có một số thay đổi quan trọng với các qui định sát với chuẩn mực quốc tế Basel 2 như phạm vi tài sản có phải phân loại, định giá tài sản bảo đảm, sử dụng thông tin tín dụng, tiêu chuẩn phân loại nợ, phản ánh đầy đủ hơn chất lượng tài sản của TCTD.

Sau khi Thông tư được ban hành, nhiều TCTD đã bắt tay vào việc tính toán lại các khoản nợ và tiến hành phân loại nợ, để chính thức áp dụng từ ngày 1/6/2013.

Trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện, đã phát sinh một số vấn đề. Nếu áp dụng Thông tư này vào thực tế, tỉ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tăng từ 3-4% hiện nay lên 10-20%, thậm chí cao hơn.

Tỉ lệ nợ xấu tăng cao cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn, điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, ảnh hưởng đến khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo NHNN, tính đến hết tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ 1,4% so với cuối 2012. Đây là mức thấp so với cùng kỳ, trong khi chỉ tiêu cả năm 2013 là 12%. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua yếu, nên hàng hóa tồn đọng, doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất và không có lý do xác đáng để vay vốn trong thời điểm này.

Nếu áp dụng Thông tư 02 đúng thời hạn vào ngày 1/6 tới đây, hàng loạt doanh nghiệp sẽ bị ngân hàng cắt vốn do tỷ lệ nợ xấu tăng lên, nhiều doanh nghiệp sẽ “chết” hẳn, không thể trả được nợ đã vay từ các NHTM.

Trước thực trạng nêu trên, chiều 8/5/2013, Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo một số NHTM lớn và các chuyên gia kinh tế nhằm lấy ý kiến đóng góp trước khi Thông tư 02 có hiệu lực chính thức.

Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao ý nghĩa của Thông tư 02, nó giúp đánh giá tình hình nợ xấu của ngân hàng và doanh nghiệp một cách chính xác hơn và rõ ràng hơn, nâng cao tính an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, thời hạn áp dụng thông tư 02 nên được lùi lại và cần có lộ trình đề án thích hợp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi năng lực sản xuất.

Ngay đến các qui định Basel 3 tuy đã được các nước thành viên hoan nghênh và ban hành chính thức vào cuối năm 2010, nhưng lộ trình thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018 tùy theo tình hình thực tế của mỗi nước.

Chưa dừng lại ở đó, Ủy ban Giám sát ngân hàng thuộc Basel đã phải xem xét giảm nhẹ một số qui định về vốn, đồng thời lùi thời hạn áp dụng các quy định này thêm 1 năm, không loại trừ khả năng tiếp tục phải lùi thêm thời hạn nếu tình hình kinh tế không được cải thiện. Nguyên nhân của những điều chỉnh này bắt nguồn từ thực tế là, các tỉ lệ về vốn và thanh khoản quá cao. Nếu bắt buộc phải áp dụng theo lộ trình, các ngân hàng sẽ không còn vốn để cho vay, trong khi các doanh nghiệp không muốn vay do không bán được sản phẩm.

Tại Việt Nam, các TCTD cũng đang gặp khó khăn về nợ xấu, tín dụng tăng thấp, việc thành lập công ty mua bán nợ vẫn còn vướng phải nhiều tranh cãi quyết liệt, việc đưa Thông tư 02 vào áp dụng trong lúc này sẽ đồng nghĩa với việc siết chặt dòng tín dụng cho nền kinh tế. Trên thực tế, ngành ngân hàng rất cố gắng hạ lãi suất xuống mức thấp có thể, nhưng rất khó tìm được khách hàng vay vốn.

Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp và sản xuất kinh doanh đình đốn như hiện nay, cần đánh giá lại tác động của các chính sách khác, để cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, cần có sự vào cuộc và hỗ trợ từ Chính phủ thông qua chính sách tài khóa, đặc biệt là cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các gói kích thích kinh tế trực tiếp hoặc thông qua các dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhà máy điện, nước, hệ thống giáo dục, y tế,…. Như thế, sẽ tạo thêm việc làm, người lao động có thu nhập để mua hàng hóa, các doanh nghiệp mới có khả năng phục hồi và có tiền để trả nợ vay ngân hàng, nút thắt của nền kinh tế sẽ nới lỏng dần.

Bài viết của tác giả Hoàng Thế Thoả - đăng trên mục Nghiên cứu trao đổi, website NHNN

Nguồn SBV


Sự kiện