NHNN đã trình Thủ tướng phê duyệt tái cơ cấu Agribank
Nhưng do việc kéo dài tình trạng yếu kém của các ngân hàng trong diện phải tái cơ cấu càng làm gia tăng tổn thất cho các ngân hàng và gia tăng rủi ro cho hệ thống, nên NHNN phải khẩn trương tiến hành các quy trình, thủ tục để sớm phê duyệt các phương án tái cơ cấu, làm cơ sở cho các ngân hàng thực hiện.
Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đây là đề án được Thủ tướng phê duyệt sớm nhất so với các đề án tái cơ cấu khác (tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc thị trường chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm).
Ngay sau đó, Thống đốc NHNN đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai thực hiện đề án, trong đó có các nội dung, giải pháp của đề án đã được cụ thể hóa thành nhiệm vụ và giao cho các đơn vị thuộc NHNN thực hiện với lộ trình cụ thể.
Trong giai đoạn 2011 - 2012, NHNN tập trung đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), đánh giá và phân loại TCTD, xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại các TCTD, trong đó ưu tiên xử lý các TCTD yếu kém, tập trung hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả các TCTD yếu kém, triển khai sáp nhập, hợp nhất mua lại TCTD trên nguyên tắc tự nguyện, tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các TCTD, cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản trị.
Sau khi xác nhận được 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, cần phải được cơ cấu lại, NHNN đã triển khai các giải pháp với từng ngân hàng, gồm giám sát thanh tra toàn diện hoạt động của ngân hàng; yêu cầu ngân hàng thực hiện kiểm toán bắt buộc.
Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng này xây dựng phương án cơ cấu lại có tính khả thi và phù hợp với thực trạng cụ thể của từng ngân hàng. Đến nay, việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đã đạt được một số kết quả như sau:
Ba ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa đã hợp nhất thành ngân hàng Sài Gòn (SCB) và đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu cho giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, NHNN đang trình Thủ tướng chấp thuận về chủ trương cho phép SCB được triển khai các nội dung theo kế hoạch này. Đồng thời, giao NHNN hướng dẫn ngân hàng này hoàn thiện kế hoạch để trình NHNN phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
Ngân hàng Tiên Phong đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cơ cấu lại và Thống đốc phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng củng cố, chấn chỉnh. Hiện NHNN đang giám sát chặt chẽ ngân hàng này thực hiện theo đúng các giải pháp và lộ trình tại phương án phê duyệt, đảm bảo ngân hàng ổn định, lành mạnh sau tái cơ cấu.
Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cơ cấu lại và Thống đốc phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng sáp nhập và ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Đối với các ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương xây dưungj và hoàn thiện phương án cơ cấu lại để trình xin ý kiến của Thủ tướng.
Bên cạnh việc xử lý các ngân hàng yếu kém, NHNN chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để tiến hành cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thành cổ phần hóa và cơ cấu lại các NHTM Nhà nước. Các ngân hàng như Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) đã thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
NHNN cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng với các công ty trực thuộc.
Chỉ đạo các ngân hàng từng bước củng cố lại hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Trong đó, cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng nâng cao tỷ trọng nguồn vốn ổn định, có kỳ hạn dài, giảm phụ thuộc vào vốn liên ngân hàng. Do đó, vốn huy động liên ngân hàng của toàn hệ thống TCTD trong 7 tháng đầu năm 2012 giảm 19,64%.
Nguồn Khampha