Nhìn vàng qua dự trữ ngoại tệ
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho nhu cầu tích trữ vàng rất lớn. Giá vàng thế giới tăng mạnh, tới 300% kể từ năm 2008 đến năm 2011, cùng với những bất ổn của nền kinh tế đã làm gia tăng hoạt động đầu tư vào vàng, đặc biệt là vàng miếng, tạo ra một khoản chênh rất cao giữa giá trong nước và thế giới.
Những năm đó, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam có tài khoản vàng rất lớn cả trong nước và nước ngoài, kéo theo tình trạng đầu tư, đầu cơ vào vàng rất mạnh. Đó cũng là những năm dự trữ ngoại tệ quốc gia giảm mạnh.
Với Việt Nam, một quốc gia đang nợ nước ngoài, đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại tệ không chỉ là phương tiện thanh toán quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong ổn định nền kinh tế. Nó khác với vàng, chỉ đơn giản là công cụ cất giữ.
Tuy nhiên, quỹ dự trữ ngoại hối sẽ thủng nếu Việt Nam tiếp tục để các NHTM lợi dụng biến động giá vàng thế giới để đầu cơ thu lời. Những cuộc đầu cơ này sẽ đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng vì mục tiêu lợi nhuận tham gia vào thị trường vàng.
Hậu quả là những biến động khủng khiếp, dẫn đến Việt Nam sẽ mất tất cả những nỗ lực đã làm để hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế đến chỗ khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam buộc phải khôi phục dự trữ ngoại tệ, đồng thời phải đưa ra biện pháp đối xử với vàng.
Vì vậy, ngày 3/4/2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.
Theo đó, Nhà nước độc quyền xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cũng như siết chặt quản lý sản xuất - kinh doanh vàng. Đây là bước quan trọng để hạn chế tình trạng vàng hóa: chấm dứt vai trò thanh toán, vai trò tiền tệ của vàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra thời hạn các NHTM và tổ chức tín dụng phải tất toán trạng thái của vàng. Sau ngày 30/6/2013, toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vàng sẽ phải chuyển sang mua - bán.
Bên cạnh đó, NHNN đã tổ chức 13 phiên đấu thầu, bán 14 tấn vàng miếng (từ ngày 28/3/2013 đến nay), góp phần tăng cung, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng.
Việc tham gia thị trường vàng của NHNN với tư cách người mua bán cuối cùng đã góp phần ổn định thị trường vàng. Với những gì đã làm, Việt Nam đã khôi phục thành công dự trữ ngoại tệ, trong ba năm, dự trữ ngoại tệ tăng gấp ba lần, khôi phục thanh khoản quốc tế.
Chúng ta cần thấy rõ vấn đề của vàng và mối nguy hiểm của nó từ việc đầu tư, đầu cơ. Gần đây, một NHTM có uy tín chỉ mới xử lý vấn đề về vàng thôi mà đã sụt trên 30% tổng tài sản.
Giả sử các NHTM đều rơi vào tình cảnh như vậy thì hệ thống ngân hàng này sẽ như thế nào, chắc chắn sẽ mất vốn. Chuyện cầu về vàng vượt quá mức trong thời gian rất ngắn có tính đặc thù ở Việt Nam và chúng ta đang đi theo một hướng hoàn toàn đúng.
Để đưa giá vàng trong nước tiệm cận ngay với giá vàng thế giới, Việt Nam cần khoảng 70 - 80 tấn vàng, tương đương 4 tỷ USD, đó là điều không thể làm được trong bối cảnh phải phục hồi dự trữ ngoại tệ.
Hy vọng, khi NHNN giải quyết xong trạng thái vàng đối với các NHTM thì cầu về vàng sẽ giảm xuống rất mạnh, cộng với việc chúng ta tiếp tục bán tăng cung như hiện nay thì sau tháng 6, chênh lệch này sẽ giảm khá nhanh và trong một tương lai gần sẽ giữ được mức chênh lệch hợp lý giữa vàng trong nước và vàng quốc tế.
Mục tiêu cao nhất của Nghị định 24 là phục hồi dự trữ ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường vàng, có thể, trong quá trình triển khai, một số người đầu tư tốt, dự đoán giá tốt cũng được hưởng lợi. Điều quan trọng là Việt Nam đã không để hệ thống NHTM rơi vào tình huống rủi ro về vàng như đã có nguy cơ xảy ra đối với một số ngân hàng lớn.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)