Xuất khẩu gỗ vào Mỹ đang có nhiều cơ hội. Ảnh: Hải Vân
Nhìn nhận đúng cơ hội từ cuộc chiến Mỹ-Trung
Mỹ - Trung Quốc, hơn 3 tháng vừa qua, đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỉ đô la Mỹ với mức áp thuế bổ sung từ 5 - 25%.
Nhìn rõ tình hình
Minh Phát 2, một trong những công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất vào thị trường Mỹ đang có doanh thu tăng khoảng 10%/năm. Năm 2017, doanh thu của Minh Phát 2 đạt mức 20 triệu USD, năm nay, con số này ước tính khoảng 22 triệu USD.
Kể từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra đến nay, ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công Ty TNHH Minh Phát 2 có trụ sở ở Bình Dương, cho là đoạn thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cùng xuất khẩu mặt hàng gỗ nội thất, song Công ty TNHH Hoàng Phát ở Thạch Thất ở Hà Nội, đang chọn một cách làm khác. “Chúng tôi hợp tác với công ty Trung Quốc để tăng xuất khẩu vào chính thị trường này”, ông Nguyễn Duy Vinh, Giám đốc Hoàng Phát, cho biết.
Bên cạnh tận dụng lợi thế chi phí hấp dẫn, động thái của Hoàng Phát còn nhằm vào việc tận dụng cơ hội bỏ trống thị trường nội địa của các doanh nghiệp Trung Quốc để tránh được nguy cơ lớn mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại.
Thế nhưng, cơ hội và thách thức đến nay vẫn là “suy đoán”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận xét tại Hội thảo: Chiến tranh thương mại: Tương lai doanh nghiệp sản xuất ” hôm 23.11.
Danh sách sản phẩm bị áp thuế đợt 1 (25%) nhóm 50 tỉ đô la (https://ustr.gov/sites/default/files/2018-13248.pdf) và đợt 2 (10%), nhóm 200 tỉ đô la Mỹ (https://ustr.gov/sites/default/files/2018-13248.pdf ) |
TS Trang nói rằng: “Chưa có bất kỳ một căn cứ cụ thể nào nói rằng, cơ hội và thách thức là có thực”. Chẳng hạn việc doanh nghiệp Trung Quốc bỏ trống thị trường Mỹ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh, đặc biệt là những ngành hàng Việt Nam có năng lực sản xuất và cạnh tranh nhất định.
Theo quan sát của TS. Trang, Trung Quốc không bỏ trống thị trường Mỹ, ngay cả khi bị Mỹ áp mức thuế cao. Bà nói: “Thuế không phải công cụ chặn dòng hàng hóa vào Mỹ, chỉ làm cho hàng hóa Trung Quốc khó cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ”.
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới về cạnh tranh bằng giá. Cho nên, việc Mỹ áp thuế 10% hay 20%, Trung Quốc trong chừng mực nào đó vẫn có thể khắc phục được.
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ trong nửa đầu năm 2018 tăng dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 song vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.
TS.Trang khuyến cáo, doanh nghiệp cần “nhìn rõ tình hình”. Việc áp thuế ở mức cao lên hàng hóa Trung Quốc là cơ hội tốt hơn cho Việt Nam cạnh tranh về giá, nhưng cơ hội này cũng chỉ ở chừng mực nhất định.
Cạnh tranh sẽ căng thẳng hơn
Đến nay, chưa xuất hiện dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ dừng kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với lượng hàng hóa trị giá 250 tỉ USD của Trung Quốc, giữa lúc thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng 4,3% trong tháng 9.2018 lên mức 37,4 tỉ USD.
Trong khi đó, ngành gỗ đang hướng tới chỉ tiêu tăng xuất khẩu đạt mức 20 tỉ USD vào năm 2025, dù phải mất tới 25 năm mới có thể đạt được con số 7,66 tỷ USD vào năm 2017. Làm ăn nhiều năm với thị trường Mỹ, ông Hiệp tính rằng, cơ hội xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ là thật. Nhưng ông cũng nói “tận dụng đến đâu là chuyện của từng doanh nghiệp”.
Ông Hiệp cho rằng, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ, ngay cả với Minh Phát 2, là không dễ dàng. Mỗi năm đều có các đoàn công tác của Mỹ tới công ty kiểm tra, để đảm bảo công ty hoạt động theo đúng tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Trong những lần kiểm tra này, phía Mỹ đặc biệt lưu ý các yếu tố liên quan đến môi trường lao động, mức độ bụi trong phạm vi cho phép, không sử dụng lao động dưới 17 tuổi, thậm chí tính cả số lượng phòng vệ sinh đáp ứng cho 800 người lao động…
Theo ông Hiệp, đó là những yếu tố quan trọng để Minh Phát 2 có được nền quản trị như hiện nay. Song, ông vẫn nhớ những khó khăn của quá trình chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, xây dựng hệ thống để thực thi các quy định hàng hóa theo tiêu chuẩn Mỹ.
“Tính hệ thống, tính nguyên tắc và sự tuân thủ” ông Hiệp nói là những “nút thắt lớn nhất” đối với doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm gỗ nội thất vào Mỹ. Đặc biệt, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp, ông Hiệp cho là “vấn đề lớn” làm cho doanh nghiệp không tận dụng được hết cơ hội mang lại từ cuộc chiến thương mại này.
Trong khi đó, tại Malaysia sự liên kết giữa các doanh nghiệp giúp họ có mức giá trị gia tăng cao hơn trên cùng một đơn vị sản phẩm gỗ xuất khẩu. Đó là khi mỗi một doanh nghiệp phụ trách một công đoạn trong chuỗi sản xuất một sản phẩm bàn, ghế hoặc giường, tủ.
Sự liên kết này, giúp doanh nghiệp Malaysia giảm được nguồn vốn đầu tư dàn trải vào nhiều dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất chuyên sâu, năng suất lao động cao và giá trị gia tăng cũng cao hơn.
Hiện, Minh Phát 2 đang sản xuất bàn, ghế, giường tủ…, nhưng ông Hiệp cho rằng hiệu quả mang lại chưa cao. “Nếu chúng tôi có được sự liên kết với chục nhà máy, mỗi nhà máy sản xuất một loại sản phẩm, chắc chắn mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Hiệp nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, đang rục rịch ban hành các chính sách để hiện thực hóa con số 20 tỉ USD vào năm 2025. Ông Hiệp, người có kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, cho rằng, chỉ tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD chỉ đạt được khi có các chính sách đi kèm.
Mỹ, mới đây đã tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng mức độ áp thuế lên 25% vào ngày 1.1.2019 đối với nhóm hàng hóa trị giá 200 tỉ đô la Mỹ đã bị áp thuế 10% vào ngày 24.9.2018.
Cạnh đó, Mỹ cũng xem xét mở rộng áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phía Trung Quốc không thực hiện các yêu cầu của phía Hoa Kỳ. TS. Trang dự đoán “khả năng, những xung đột này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm sau”.
Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác.
Tại thị trường trong nước, cạnh tranh cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng khi hàng hóa nội địa nhiều hơn.
CTTPP và EVFTA được đàm phán, ký kết và tới đây sẽ thực hiện, được xem là một bước hiện thực hóa của Việt Nam về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những hiệp định này, TS. Trang cho rằng sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có một đường đi riêng vào các thị trường khác, đây là cơ hội lớn và doanh nghiệp không nên bỏ qua.