Thứ Tư | 05/12/2012 15:54

Nhìn lại tình trạng các công ty chứng khoán trong diện kiểm soát đặc biệt

Các công ty vào diện kiểm soát đặc biệt trong năm nay đều có vấn đề về thanh khoản; trong đó, SBS, SME và TAS có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày hôm nay, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đặt CTCP Chứng khoán SME và CTCP Chứng khoán Golden Bridge vào diện kiểm soát đặc biệt. Như vậy, gần đây có 4 công ty bị thêm vào diện kiểm soát đặc biệt; nâng tổng số công ty bị kiểm soát đặc biệt lên 9 công ty (Chứng khoán Vina và Chứng khoán Đà Nẵng mới được đưa ra khỏi diện này).

SME: Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị bị khởi tố vì tội lừa đảo

Chứng khoán SME ( SME)bắt đầu thu hút sự chú ý của nhà đầu tư bắt đầu từ cuối năm 2011 khi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của công ty từ 3/11/2011 đến 3/12/2011 do thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán và không trả tiền vay quỹ hỗ trợ thanh toán đúng hạn.

Thực tế, vấn đề thanh khoản của SME đã có từ trước đó, khi vào tháng 7/2011 chi nhánh SME tại TPHCM mất thanh khoản tạm thời khiến khách hàng không thể rút được tiền mặt mà buộc phải mua vào chứng khoán để thực hiện chuyển khoản sang công ty khác.

Theo báo cáo tài chính quý III/2011 của SME, tính tới cuối tháng 9, công ty chỉ còn 7,7 tỷ đồng tiền mặt; dòng tiền thuần trong kinh doanh âm 38 tỷ đồng.

Bước sang năm 2012, tình hình của SME không những không được cải thiện mà còn xấu đi. Vào tháng 2/2012, SME bị thu hồi giấy chứng nhận lưu ký chứng khoán và ngừng giao dịch trên HNX và HSX từ 1/3/2012 tới 31/8/2012.

Tiếp đó, vào ngày 2/8/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SME, ông Phan Huy Chí cùng Phó Chủ tịch Phạm Minh Tuấn bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngay hôm sau, 3/8/2012, SME rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán và chuyển tài khoản của khách hàng sang Chứng khoán Đại Nam và Chứng khoán Phú Giá.

SME cũng bị chấm dứt tư cách thành viên trên HNX và HSX từ 7/9/2012. SME vào diện kiểm soát đặc biệt từ 4/12/2012 đến 4/4/2013.

GBS: Mất thanh khoản, tiền mặt còn lại 60 triệu đồng

Giống như Chứng khoán SME, Chứng khoán Golden Bridge ( GBS) cũng gặp vấn đề về thanh khoản. Cụ thể, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã 3 lần đình chỉ hoạt động thanh toán (từ 7/9/2012 đến 31/10/2012). Nguyên nhân được VSD đưa ra là do GBS vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán chứng khoán dẫn đến phải thực hiện hủy thanh toán giao dịch, gây tổn thất cho khách hàng và ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán của VSD. Ngoài ra, GBS cũng bị HNX và HSX đình chỉ hoạt động 3 lần trong thời gian đó.

Tính tới ngày 30/9/2012, GBS chỉ còn lại 60 triệu đồng tiền mặt; tuy nhiên công ty vẫn có lãi 170 triệu đồng trong quý III và lãi 2,9 tỷ đồng trong 9 tháng. GBS vào diện kiểm soát đặc biệt từ 4/12/2012 đến 4/4/2013.

TAS: Không tách bạch tài khoản, nghi vấn gây thất thoát tiền của nhà đầu tư

Trước khi vào diện kiểm soát đặc biệt, Chứng khoán Tràng An ( TAS) đã 2 lần bị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cảnh cáo do mất khả năng thanh toán. Cụ thể, TAS bị cảnh cáo lần 1 vào ngày 22/11/2011 và cảnh cáo lần 2 vào ngày 4/4/2012. Tới ngày 8/5/2012, TAS bị đình chỉ lưu ký chứng khoán 1 tháng do thiếu thanh toán Quỹ hỗ trợ thanh toán.

Ngoài vấn đề về thanh khoản, TAS còn bị nghi ngờ làm mất tiền của nhà đầu tư. Theo báo cáo bán niên 2012 của TAS, kiểm toán lưu ý TAS nhận nợ lại tiền vay của nhà đầu tư và cho nhà đầu tư khác vay là chưa phù hợp với quy định; và các khoản cho vay của TAS cũng đã quá hạn từ 5 tháng tới 1 năm. Nguyên nhân của vấn đề này là do TAS không tách bạch tài khoản của nhà đầu tư và tài khoản của công ty.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã kết luận TAS có một số vi phạm về hoạt động môi giới và cung cấp dịch vụ khách hàng. TAS vào diện kiểm soát đặc biệt từ 6/9/2012 đến 6/3/2013.

SBS: Khởi tố vụ án hình sự về cố ý đưa thông tin sai lệch, thao túng giá chứng khoán

Chứng khoán Sacombank ( SBS) bắt đầu gây chú ý từ giữa tháng 6 khi thay gần như toàn bộ ban lãnh đạo. SBS bổ nhiệm mới 5 thành viên Hội đồng quản trị thay cho 4 thành viên từ nhiệm. Tiếp sau đó, ông Võ Duy Đạo được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc thay ông Mạc Hữu Danh.

Kể từ đó, nghi vấn về thực trạng tài chính của SBS đã được đặt ra. Tới giữa tháng 8/2012, SBS công bố lỗ hơn 1.600 tỷ đồng năm 2011 thay vì hơn 760 tỷ đồng trước đó. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ tăng trích lập dự phòng tài chính các khoản đầu tư trong năm 2010 và 2011. Ngoài ra, Cơ quan An Ninh Điều Tra-Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự " Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; thao túng giá chứng khoán " xảy ra tại SBS.

SBS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 29/8/2012 tới 28/2/2013. Thời gian kiểm soát đặc biệt của SBS vẫn là 6 tháng do tại thời điểm đó, Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC chưa có hiệu lực.

Theo quy định mới tại Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC có hiệu lực từ 1/12/2012, công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%, không khắc phục được tình trạng bị kiểm soát trong vòng 1 năm; không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trong 2 kỳ báo cáo liên tiệp, hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét;...Thời hạn kiểm soát đặc biệt là 4 tháng, sau thời hạn này nếu công ty không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Nếu không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp chưa tới 50% vốn điều lệ thì có thể bị tạm dừng hoạt động.

Nguồn Khampha


Sự kiện