Thứ Tư | 25/09/2013 12:54

Nhìn lại SHB một năm sau sáp nhập

Sau sáp nhập, các chi nhánh của Habubank bắt đầu làm ăn có lãi.
Một năm sau sáp nhập (28/8/2012-28/8/2013), ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ( SHB) đã có bước phát triển vượt bậc trở thành một trong những Ngân hàng TMCP quy mô lớn trong hệ thống NHTM Việt Nam.

Nợ xấu xuống 5% vào cuối năm 2013

Đến 30/6/2013 tổng tài sản của SHB đạt 104.524 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 92.632 tỷ đồng, trong đó vốn huy động thị trường I đạt 79.479 tỷ đồng, dư nợ cho vay cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt 58.478 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2012, lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng. Trong những tháng cuối năm, SHB nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kinh doanh 2013, đảm bảo lợi nhuận chi trả cổ tức 8%/CP.

Trên cơ sở tiềm lực tài chính mạnh sau sáp nhập, SHB đã tham gia tài trợ vốn các dự án trọng điểm quốc gia. Điển hình là việc tài trợ trên 4.100 tỷ đồng cho hai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ I đoạn qua Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Đến 30/6/2012 tỷ lệ nợ xấu của SHB là 9,04%/tổng dư nợ, cao hơn 0,24% so với thời điểm cuối năm 2012. Sở dĩ nợ xấu của SHB tăng là do một số khoản cho vay đồng tài trợ của Habubank trước kia với các tổ chức tín dụng khác đến nay quá hạn, do vậy SHB chuyển nhóm nợ xấu theo đúng quy định trên cơ sở của ngân hàng đầu mối. Một số khoản nợ Vinashin chuyển sang nhóm nợ xấu theo đúng quy định phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước.

Các doanh nghiệp (DN) có nợ xấu (nhóm 4 và nhóm 5 phần lớn chuyển từ HBB sang) của SHB đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, có tài sản đảm bảo là nhà xưởng, bất động sản, máy móc, thiết bị. Các DN này để xảy ra nợ xấu là do khó khăn về tài chính, năng lực quản trị điều hành yếu kém, khó khăn thị trường đầu ra ... Đối với các khoản nợ tại Tập đoàn Vinashin và các công ty trực thuộc SHB đã xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời đang rà soát, lên phương án xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Như vậy các khoản nợ nhóm 4, nhóm 5 của SHB đều có tài sản đảm bảo và SHB đang quyết liệt xử lý bằng các giải pháp thích hợp nhằm thu được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, tính đến 31/07/2013 SHB đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo qui định của NHNN với số tiền trích lập dự phòng rủi ro hơn 2.100 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm SHB đã xử lý thu hồi được 2.926 tỷ đồng nợ xấu. SHB đã có kế hoạch bán một phần nợ xấu cho VAMC. 6 tháng cuối năm, SHB sẽ xem xét sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng bên cạnh các giải pháp xử lý thu hồi nợ quyết liệt nêu trên. Do đó nợ xấu của SHB chắc chắn sẽ giảm xuống thấp hơn 5%/tổng dư nợ đến cuối năm 2013 như kế hoạch đã đề ra.

Các chi nhánh sáp nhập của Habubank bắt đầu kinh doanh có lãi
Tính đến thời điểm 30/6/2013, SHB có 329 điểm giao dịch tại 27 tỉnh thành trong cả nước và Chi nhánh tại Lào, Campuchia. Hai chi nhánh tại Lào và Campuchia kinh doanh có lãi, mở rộng khách hàng tại nước sở tại bên cạnh các khách hàng truyền thống là các Công ty thuộc Tập đoàn Cao su , một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư tại Campuchia và Lào.

SHB đã tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ bán lẻ, cho vay DN vừa và nhỏ, tăng thị phần khách hàng cá nhân. Đến nay gần 2 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp giao dịch tại SHB. Riêng về huy động nguồn vốn tiết kiệm trong dân cư, 6 tháng đầu năm tăng 4,1% (tăng 1.926 tỷ đồng) so với cuối năm 2012, tăng lên đáng kể so với năm 2012. Trong hoạt động kinh doanh, SHB chú trọng nguồn vốn huy động từ tiết kiệm trong dân cư bởi đó là nguồn vốn ổn định, bền vững nhất.

Sau sáp nhập 80 đơn vị kinh doanh (trong đó có 19 chi nhánh và 50 phòng giao dịch) của ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - HBB) được sáp nhập vào SHB. Tại thời điểm sáp nhập một số Chi nhánh, phòng giao dịch tạm ngưng hoạt động do phải tập trung xử lý một số tồn tại. Ngay sau sáp nhập, hoạt động của các đơn vị này đã được SHB rà soát, đánh giá, khắc phục điểm yếu và có cơ chế mới thúc đẩy kinh doanh. Sau 1 năm, phần lớn các đơn vị của HBB cũ giảm được nợ xấu, kinh doanh có lãi.

Cổ phiếu SHB lọt vào danh mục Market Vector Vietnam ETF

Tháng 10/2012, SHB đã niêm yết bổ sung 405 triệu cổ phiếu phát hành thực hiện hoán đổi nhận sáp nhập HBB. Sau khi niêm yết bổ sung, SHB trở thành một trong những CP có tính thanh khoản cao nhất thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu HBB trước đây đã thực hiện giao dịch bình thường. Cùng với thanh khoản cao, việc tuân thủ đầy đủ các quy định về công bố thông tin, công khai minh bạch trong hoạt động, cổ phiếu SHB đã trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 14/9/2013, sau khi nghiên cứu quy mô vốn hóa, mức độ thanh khoản và triển vọng Ngân hàng sau sáp nhập, Quỹ đầu tư Market Vector Vietnam ETF (gọi tắt là quỹ VNM) đã công bố danh mục mới áp dụng từ ngày 23/9/2013, theo đó quỹ này đã đưa SHB vào danh mục đầu tư. Hiện nay một số định chế tài chính uy tín nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác, mua cổ phần và SHB cũng đang nghiên cứu, xem xét. Sự quan tâm ngày một lớn của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy hoạt động của SHB sau sáp nhập đã có những bước tiến quan trọng.

Với hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng và an toàn sau sáp nhập, SHB đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Tạp chí uy tín hàng đầu trong ngành tài chính ngân hàng thế giới The Banker (Anh) đã trao tặng cho SHB danh hiệu “Ngân hàng tốt nhất năm 2012” và “Top 1.000 Ngân hàng lớn nhất thế giới 2013”; Tạp chí Global Banking and Finance Review – một tạp chí điện tử về tài chính ngân hàng có uy tín của Anh - bình chọn là "Ngân hàng Bán lẻ tăng trưởng nhất" và "Ngân hàng SMEs tốt nhất" Việt Nam năm 2013; Tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody’s xếp hạng sức mạnh tài chính (BFSR) của SHB ở mức “E” tương đương với 8 Ngân hàng thương mại lớn khác tại Việt Nam; Giải thưởng Quản lý Chất lượng Quốc tế hạng vàng của Business Innitiative Directions (Tây Ban Nha)…

Nguồn SHB


Sự kiện