Thứ Năm | 06/12/2012 15:31

Nhìn lại quá trình thoái vốn của Vinaconex trong năm 2012

Vinaconex mới hoàn thành thoái vốn tại 5 công ty trong tổng số 13 công ty có chủ trương thoái vốn.
Vinaconex thoái vốn ở cả công ty yếu kém và kinh doanh có lãi

Quá trình tái cấu trúc Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam ( VCG, Vinaconex) được khởi động từ năm 2011 khi VCG giảm tỷ lệ sở hữu tại 4 công ty con là Xi măng Yên Bình, Đá Trắng Yên Bình, Đầu tư và kinh doanh thương mại Vinaconex, và Vinaconex 21.

Cuối năm 2011, VCG có 38 công ty con và 11 công ty liên doanh, liên kết. Tới 30/6, VCG còn lại 36 công ty con và 11 công ty liên doanh liên kết sau khi tiếp tục thoái vốn tại 2 công ty con là Xi măng Lương Sơn và Đầu tư thương mại Vinaconex Thanh Hóa.

Ngoài những công ty này, theo báo cáo bán niên năm 2012, Hội đồng quản trị VCG còn thông qua chủ trương thoái vốn tại 4 công ty con khác là Vinaconex 4, Vinaconex Đà Nẵng, Vinaconex 11 và CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Quyết Thắng. Điều đáng lưu ý là cả 4 công ty con nêu trên đều bị kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục do có công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, có lỗ lũy kế hoặc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị Vinaconex cũng thông qua chủ trương thoái vốn Vinaconex Hoàng Thành (chủ đầu tư dự án Parkcity), Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Splendora); và thoái vốn ngoài ngành tại Công ty tài chính Vinaconex - Viettel (VVF, VCG góp 780 tỷ đồng, tương đương 26%).

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6 tới nay, VCG vẫn chưa thông báo đấu thầu hay thoái vốn tại 4 công ty con có tình hình tài chính yếu kém. Thay vào đó, công ty lại tiếp tục lên kế hoạch thoái vốn tại 4 công ty con khác là Vinaconex Xuân Mai ( XMC), Vinaconex VCN , Vinaconex 6 ( VC6) và Vinaconex 3 ( VC3). Trong đó, Vinaconex 6 và Vinaconex 3 là những doanh nghiệp làm ăn có lãi.


Quá trình thoái vốn của Vinaconex
Nguồn: Gafin/VCG

Tới 30/9/2012, VCG vẫn còn 36 công ty con và 7 công ty liên kết sau khi thoái vốn tại công ty liên kết Đầu tư và Thương mại - Vinaconex UPGC (công ty này không có chủ trương thoái vốn từ trước).

Trong tháng 10, VCG đã chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu, tương đương với 25% vốn điều lệ Vinaconex Hoàng Thành cho CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành và rút khỏi dự án Parkcity. VCG hoàn thành thoái vốn tại Vinaconex VCN vào cuối tháng 11/2012.

Gần đây, VCG cũng có động thái chào bán phần vốn góp của VCG tại Liên doanh An Khánh JVC.

Năm 2013, Vinaconex vẫn còn nhiều công ty chưa thoái vốn

Có thể thấy nhiệm vụ của VCG năm 2013 sẽ rất nặng nề khi Tổng công ty vẫn chưa thể thoái vốn tại những công ty con hoạt động kém hiệu quả và đặc biệt là rút khỏi 2 công ty liên kết An Khánh JVC và Vinaconex-Viettel.

Tại An Khánh JVC, tỷ lệ sở hữu của VCG tương đương với đối tác Posco E&C là 50%. Hiện tại dự án Splendora đang gặp phải vấn đề khiếu kiện của khách hàng về điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán,... Ngoài ra, với vốn đầu tư ước tính là 2 tỷ USD, VCG cũng sẽ khó tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục dự án này.

Công ty tài chính Vinaconex-Viettel (VCG góp 26% tương đương 780 tỷ đồng) gần đây cũng thu hút sự chú ý của dư luận khi tranh chấp với SeABank về khoản bảo lãnh thanh toán 150 tỷ đồng. Vụ kiện này vẫn đang được tiếp tục, nhưng trường hợp xấu nhất, Vinaconex-Viettel sẽ không thu được tiền.

Nguồn Khampha


Sự kiện