Thứ Bảy | 26/01/2013 13:15

Nhìn lại những vụ kiện tôm xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ

Đúng 10 năm trước, doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên bị kiện bán phá giá đối với các sản phẩm tôm nước ấm nhập khẩu vào Mỹ.
Ngày 28/12/2012, Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI)1 đã đệ đơn lên bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước gồm Trung Quốc, Ấn độ, Ecuador, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam do nghi ngờ ngành tôm của những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.

Ngày 18/1, DOC đã khởi xướng điều tra sau khi xác định rằng, nguyên đơn vụ kiện nói trên đã cung cấp đầy đủ thông tin để đảm bảo điều tra có thể dẫn đến sự áp dụng thuế đối kháng với giá trị gần 4,3 tỷ USD tôm nhập khẩu từ các nước nói trên. Trước đó, vào ngày 15/1, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã có buổi tham vấn với DOC và chính thức phản đối vụ kiện này. Đây là lần thứ 2, tôm Việt nam bị kiện bán phá giá, trợ cấp vào thị trường Mỹ.

Lần đầu bị kiện

Lần đầu tiên Việt Nam bị kiện bán phá giá cách đây đúng 10 năm. Ngày 31/12/2003, Liên minh Tôm miền nam nước Mỹ (SSA) đã chính thức nộp đơn khởi kiện “chống bán phá giá tôm” lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của 6 nước (Braxin, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ).

20/01/2004, DOC bắt đầu tiến hành điều tra vụ kiện bán phá giá tôm của Việt Nam tại Mỹ. Toàn bộ các dạng tôm xuất khẩu đánh bắt hoặc nuôi trồng từ Việt Nam đều nằm trong phạm vi điều tra, ngoại trừ tôm khô, tôm bột.

Ngay sau đó, ITC đã song song tiến hành điều tra về vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các phiên điều trần đã diễn ra công khai tại thủ đô Washington D.C với đại diện của 6 nước bị kiện. Kết luận sơ bộ của ITC đó là việc nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào thị trường Mỹ gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa của Mỹ. Quyết định cuối cùng của ITC vào tháng 1/2005 cũng không thay đổi so với quyết định sơ bộ này.

Việc điều tra của DOC được tiến hành đối với 4 doanh nghiệp bị đơn có lượng xuất khẩu tôm lớn nhất vào Mỹ (gồm Minh Phú, Minh Hải và Camimex và Kim Anh – gọi là bị đơn bắt buộc). Ngoài ra, có 29 công ty khác của Việt Nam tham gia làm bị đơn tự nguyện. Các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc phải trả lời các câu hỏi điều tra liên quan đến vụ kiện bán phá giá tôm và các vấn đề liên quan đến tài chính, chi phí cho hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ. Mức thuế sơ bộ ban đầu DOC quyết định với các bị đơn bắt buộc là từ 12,1-18,7%, với các bị đơn tự nguyện là 16,01%, mức thuế suất toàn quốc là 93,13%.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/2004, DOC đã tiến hành thẩm tra các cáo buộc chống bán phá giá thông qua văn bản và khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp. Các bảng hỏi điều tra, các bản giải trình đã được hai bên gửi qua, gửi lại suốt thời gian này.

Tháng 2/2005, DOC chính thức áp thuế chống bán phá giá với các thuế suất từ 4,3% đến 5,24% đối với từng bị đơn bắt buộc, 4,57% đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra và mức thuế suất toàn quốc 25,76% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại. Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng cho các lô hàng tôm nhập khẩu chưa thanh toán vào hoặc ra khỏi nhà kho để tiêu thụ vào hoặc sau ngày 16/7/2004.

Theo yêu cầu của Hải quan Mỹ, ngoài số tiền thuế, các doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp một khoản đặt cọc tương ứng với thuế suất áp dụng chung cho toàn quốc, tức biên phá giá cao nhất. Khoản tiền đặt cọc phải nộp 1 lần trước khu hàng nhập khẩu cập cảng Mỹ. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu tôm từ Việt Nam phải ký quỹ một khoản tiền tương đương với giá trị nhập khẩu tôm trong vòng 1 năm nhân với mức thuế chống bán phá giá.
Quy trình giải quyết vụ kiện chống bán phá giá tôm
Quy trình giải quyết vụ kiện chống bán phá giá tôm

Các vụ xem xét hành chính chống bán phá giá

Theo pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ, sau tròn mỗi năm kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá của DOC được ban hành, DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính để xét lại mức thuế chính thức mà DOC đã áp đối với khoảng thời gian 1 năm liền trước đó. Theo đó, tính tới nay, DOC đã tiến hành 6 cuộc rà soát hành chính (POR) chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Trong đợt xem xét hành chính lần 1 (POR), các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động thoả thuận không yêu cầu rà soát lại thuế mà vẫn áp dụng mức thuế của kết quả chống bán phá giá lần đầu, thay vào đó sẽ trả phía Mỹ một khoản tiền để có thời gian chuẩn bị cho xem xét giai đoạn hai.

Trong hai đợt rà soát POR2 (04/2007) và POR3 (04/2008), có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đăng ký tham gia rà soát. Tuy nhiên, DOC chỉ chọn 2 doanh nghiệp (Công ty Minh Phú và Camimex) trong POR2 và 3 doanh nghiệp (Minh Phú, Camimex và Phương Nam) trong POR3 là bị đơn bắt buộc dựa trên tiêu chí là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất.

Theo Quyết định cuối cùng của DOC về kết quả của hai đợt rà soát, mức thuế suất của các bị đơn bắt buộc đạt mức thuế suất không đáng kể (0-0,21%). Tuy nhiên, mức thuế suất này không được áp dụng cho các bị đơn tự nguyện (gồm các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có tham gia vào đợt rà soát nhưng không được DOC lựa chọn làm bị đơn bắt buộc) mà bị áp thuế theo mức thuế suất từ điều tra ban đầu là 4,57%, mức thuế suất toàn quốc cũng áp dụng theo điều tra ban đầu là 25,76%.

Đợt xem xét

Ngày công bố cuối cùng

Mức thuế (%)

Bị đơn bắt buộc

Tự nguyện

Toàn quốc

POR1 (16/7/2004 đến 31/1/2006)

N/A

N/A

N/A

N/A

POR2 (

9/9/2008

0-0,1

4,57

25,76

POR3 (1/2/2007 đến 31/1/2008)

8/9/2009

0,08-0,21

4,57

25,76

POR4 (

29/9/2010

2,95-4,89

3,92

25,76

POR5 (

31/8/2011

0,0-1,15

1,04

25,76

POR6 (

4/9/2012

1,23-1,27

1,25

25,76


Nguồn: VCCI, Gafin

Trong các lần xem xét hành chính lần 4-6, tức từ 2009 đến nay, mức thuế đã nhiều lần thay đổi theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là phía Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp Zeroing2 (quy về không) trong tính toán thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn này, với đề xuất Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tháng 2/2010, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu vụ kiện Mỹ lên WTO bằng tham vấn gửi Chính phủ Mỹ.

Ngày 11/7/2012, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết Mỹ xâm phạm luật thương mại toàn cầu khi tính toán thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

WTO cho rằng Mỹ "đã hành động thiếu nhất quán với những điều khoản của Thỏa thuận chống bán phá giá và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT)" và cam kết sẽ xem xét vấn đề dựa trên hai bản thỏa thuận này. Vì vậy, trong phán quyết của mình, WTO đã ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam. Trong đó, Ban hội thẩm của WTO cho rằng Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO.

Bài học thành công từ vụ kiện chống bán phá giá lần đầu

Để có được mức thuế sơ bộ giảm từ mức cao nhất 18% xuống thấp nhất hơn 4% đối với bị đơn bắt buộc, từ 16% xuống còn hơn 4% với bị đơn không bắt buộc và mức thuế suất chung toàn quốc từ mức trên 90% xuống trên 25%, các doanh nghiệp Việt Nam và các ngành, các cấp có liên quan đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Một là chuẩn bị đầy đủ các tư liệu, bằng chứng có sức thuyết phục đối với cáo buộc chống bán phá giá tôm của doanh nghiệp Việt Nam. Trước các quyết định ban đầu của DOC, các doanh nghiệp cũng chỉ ra được các sai sót của DOC trong quá trình tính toán, ghi chép, làm cơ sở cho quyết định cuối cùng giảm thuế.

Hai là, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã vận động và nhận được sự ủng hộ của các đối tác nhập khẩu tại Mỹ. Ngày 01/04/2004, Liên minh Hành động Thương mại ngành Công nghiệp Tiêu thụ Mỹ (CITAC) và Hiệp hội Phân phối Thủy sản Mỹ (ASDA) chính thức thành lập Nhóm đặc trách Tôm, có nhiệm vụ vận động chống lại vụ kiện chống bán phá giá do Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) khởi kiện đối với tôm nhập khẩu từ sáu nước Nam Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, vụ kiện chống trợ cấp, bán phá giá đối với tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ lần 2 mới chỉ bắt đầu. Các doanh nghiệp, các ngành, cấp của Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với bài học về vụ kiện lần đầu và các lần xem xét hành chính trong suốt những năm vừa qua, tin rằng vụ việc sẽ sớm kết thúc với những kết quả có lợi cho Việt Nam.

Chú thích:

1. Liên minh các ngành công nghiệp về tôm ở vùng Vịnh của Mỹ (COGSI) là tổ chức đại diện quyền lợi cho ngư dân khai thác, chế biến, sản xuất tôm ở các tiểu bang Alabama, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi và Texas.

2. Zeroing là phương pháp Mỹ thường dùng để tính được biên độ bán phá giá (dumping margin) cao nhất. Để xác định biên phá giá của sản phẩm bị điều tra, DOC phải tiến hành so sánh giữa giá xuất khẩu (export price) của sản phẩm bị điều tra với giá trị thông thường (normal value) trong từng giao dịch cụ thể.

Công thức xác định biên phá giá trong từng giao dịch cụ thể như sau: biên phá giá (dumping margin) = giá trị thông thường (normal value) - giá xuất khẩu (export price). Sau đó, DOC sẽ tính toán biên phá giá cuối cùng trên cơ sở tính giá trị biên phá giá trung bình từ các biên phá giá tại các giao dịch đơn lẻ nêu trên.

Tuy nhiên, đối với các giao dịch mà giá xuất khẩu cao hơn giá trị thông thường (nghĩa là biên độ bán phá giá cho kết quả âm (dumping margin <0 hay negative margin) thì DOC coi biên phá giá trong trường hợp này chỉ bằng 0. Kết quả là khi tính trung bình các biên phá giá, kết quả cuối cùng luôn luôn lớn hơn hoặc bằng 0. Vì vậy, nếu DOC áp dụng phương pháp zeroing thì biên phá giá thường cho kết quả là có việc phá giá diễn ra và kết luận về biên phá giá có thể không chính xác với thực tế.

Nguồn Khampha


Sự kiện