Nhìn lại kinh tế quý I/2013 qua các con số thống kê
Số liệu kinh tế quý I cũng đã được các cơ quan chức năng công bố. Hãy cùng nhìn lại những điểm nổi bật của kinh tế quý I và so sánh với cùng kỳ 2 năm 2011 và 2012.
Trước hết, kinh tế quý I/2013 kết thúc với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4,89%, cao hơn so với mức tăng 4,75% của cùng kỳ 2012.
Có được mức tăng trường 4,89% quý I năm nay là nhờ khu vực dịch vụ tăng trưởng cao. Còn lại, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản và khu vực công nghiệp và xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp, trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản tăng trưởng thấp nhất từ 2010.
Điểm đáng chú ý thứ 2 trong kinh tế quý I là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được trong quý tăng mạnh, bằng gần 40% cả năm 2012, đạt hơn 6,03 tỷ USD, tăng hơn 63% so cùng kỳ 2012.
Vốn FDI giải ngân quý này cũng đạt 2,7 tỷ USD, cao hơn quý I/2012.
Đặc biệt, vốn FDI đăng ký và giải ngân tập trung chủ yếu trong tháng 3 lần lượt ước đạt 5,4 tỷ USD và 1,65 tỷ USD.
Lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, với gần 5,54 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2.
Kết thúc tháng 3, lạm phát cả nước là 6,64%, thấp hơn mục tiêu cả năm và có xu hướng giảm so với 2 tháng trước.
Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 và tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã quay đầu giảm 0,19% - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2012.
Sau khi con số CPI tháng 3 được công bố, các định chế tài chính lớn như ANZ, JP Morgan đã điều chỉnh dự báo lạm phát cả năm 2013 của Việt Nam. Trong đó, ANZ hạ dự báo lạm phát từ 8 - 10% xuống còn 6 - 8%, và nhận định nhiều khả năng ở 6%. JP Morgan cũng dự báo lạm phát Việt Nam cả năm 2013 khoảng 6,6%.
Về xuất nhập khẩu, quý I/2013, Việt Nam tiếp tục xuất siêu hơn 480 triệu USD, sau khi đã xuất siêu 780 triệu USD vào 2012.
Tuy nhiên, xét theo tháng, xu hướng nhập siêu đang tăng dần trở lại. Nếu trong tháng 1, cả nước xuất siêu gần 780 triệu USD, bằng cả năm 2012, thì sáng tháng 2, Việt Nam bắt đầu nhập siêu trở lại với gần 90 triệu USD và tăng lên 300 triệu USD vào tháng 3/2013.
Điểm quan trọng trong xuất nhập khẩu quý I là việc xuất siêu của Việt Nam chủ yếu do ảnh hưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI khi khu vực doanh nghiệp này xuất siêu tới 3,11 tỷ USD trong quý, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu ước 2,63 tỷ USD.
Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, trong quý này, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9% so cùng kỳ quý I/2012, thấp hơn mức tăng cùng kỳ của 2011 và 2012.
Xét theo tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm hơn 10% vào tháng 2 - tháng Tết Nguyên đán.
Tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đến 1/3/2013 vẫn tăng 16,5% so cùng kỳ 2012, tuy nhiên đã có bước giảm đáng kể so với cùng kỳ các tháng trước và so với cùng kỳ các năm trước.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho giảm qua các tháng chủ yếu do các doanh nghiệp tự tháo gỡ khó khăn bằng cách tiêu thụ sản phẩm với giá rẻ, lãi ít hoặc bán lỗ để giải phóng hàng tồn.
Dù hầu hết tồn kho giảm, kinh tế tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, lạm phát vẫn trong kiểm soát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh... song chi tiêu của người dân quý I/2013 vẫn có xu hướng thắt chặt.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế sụt giảm, thu nhập của người lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Về các chỉ tiêu tài chính ngân hàng, báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, dư nợ tín dụng đến 21/3 đã tăng trưởng 0,03% sau khi liên tục giảm từ đầu năm.
Huy động vốn đến thời điểm này cũng tăng trưởng 3,86%, tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 3% so cuối 2012.
Năm 2012, theo Ngân hàng Nhà nước, đến 26/3, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 1,96% và tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi tăng lần lượt 1,06% và 1,39% so cuối 2011.
Trong 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, cao hơn mức tăng trưởng 8,91% của năm 2012
Nguồn Dân Việt