Nhìn lại kết quả hoạt động 19 công ty chứng khoán thuộc NHTM
Lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán cho hay, từ đầu năm 2012 đến nay, Ủy ban chứng khoán đã tổ chức thanh tra hầu hết các công ty chứng khoán thuộc NHTM. Kết quả thanh tra sẽ được công bố công khai trong thời gian tới.
Trước khi kết quả chính thức được công bố, hãy cùng nhìn lại hoạt động 19 công ty chứng khoán thuộc NHTM (có cổ đông sáng lập, cổ đông chính là NHTM)
Theo thống kê từ báo cáo tài chính, tổng vốn điều lệ của 19 công ty này tại 30/9/2012 đạt gần 13.000 tỷ đồng, chưa bằng 10% vốn điều lệ của các ngân hàng góp vốn lập ra nó.
Giai đoạn 2006 - 2008 là thời điểm bùng nổ các công ty chứng khoán thuộc NHTM với 11/19 công ty ra đời. Đây là hệ quả của việc thị trường chứng khoán phát triển mạnh trong giai đoạn này, khi mà VN - Index đóng cửa ở mức đỉnh 1.070,67 điểm vào ngày 12/3/2007.
Về doanh thu, quý III/2012, tổng doanh thu của 19 công ty này đạt khoảng gần 950 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2011.
Công ty chứng khoán ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( AGR) có doanh thu lớn nhất, đạt 223,6 tỷ đồng trong quý III/2012, giảm 17% so với cùng kỳ.
Có 12/18 công ty chứng khoán (trừ chứng khoán ngân hàng Kỹ thương - TechcombankSc do không công bố số liệu quý III/2011) có doanh thu quý III/2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011.
Công ty có doanh thu giảm mạnh nhất (giảm 83%) là chứng khoán ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBS), trước là công ty chứng khoán ngân hàng Nhà Hà Nội (HBBS). Công ty chứng khoán ngân hàng Nam Việt (NaviBankSc) và công ty chứng khoán ngân hàng Phương Nam (PNS) lại có doanh thu tăng mạnh nhất, lần lượt là 176% và 64%.
9 tháng năm 2012, tổng doanh thu của 15/19 công ty chứng khoán (công ty chứng khoán ngân hàng An Bình - ABS, chứng khoán ngân hàng Ngoại thương - VCBS, chứng khoán ngân hàng Đông Á - DAS, chứng khoán ngân hàng Phương Nam (PNS) không báo cáo số liệu 9 tháng) đạt gần 2.985 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 7/15 công ty có doanh thu giảm, mạnh nhất là mức giảm 78% thuộc về công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn thương tín (SBS), còn tăng mạnh nhất (tăng 194%) thuộc về NaviBankSc.
Đặc biệt, theo xu hướng chung, hoạt động đầu tư chứng khoán và hoạt động khác chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu các công ty chứng khoán, nhưng tại công ty chứng khoán ngân hàng Kỹ thương (TechcombankSc), hoạt động tư vấn lại có doanh thu lớn nhất (chiếm 70% tổng doanh thu).
Về lợi nhuận, quý III/2012, tổng lợi nhuận sau thuế của 19 công ty chứng khoán thuộc NHTM âm 90,8 tỷ đồng. Mặc dù vẫn thua lỗ trên mặt bằng chung, nhưng so với cùng kỳ năm trước, mức lỗ này đã được cải thiện mạnh (quý III/2011 tổng lỗ 244,5 tỷ đồng).
Có 8 công ty lỗ trong quý III/2012, lỗ lớn nhất là chứng khoán ngân hàng Á Châu (ACBS - lỗ 55,9 tỷ đồng). Về phía lãi, công ty chứng khoán ngân hàng Công thương (CTS) lãi lớn nhất trong quý III/2012 với 15,9 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế của 15/19 công ty công bố số liệu là 251,4 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ hơn 1.290 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chỉ có 3/16 công ty nhóm này vẫn tiếp tục lỗ trong 9 tháng, lỗ lớn nhất là SBS (lỗ 130 tỷ đồng).
Về các khoản tiền và tương đương tiền (chủ yếu thể hiện tiền của nhà đầu tư), 19 công ty chứng khoán có gần 6.790 tỷ đồng tính tại thời điểm 30/9/2012, giảm 38% so với đầu năm. Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBS) có số dư tiền và tương đương tiền lớn nhất, đạt 1.578,5 tỷ đồng tại 30/9/2012.
13/19 công ty có số dư tiền và tương đương tiền giảm. Công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương (VCBS) là công ty có khoản mục này giảm mạnh nhất (giảm 81%), trong khi công ty chứng khoán ngân hàng An Bình (ABS) tăng mạnh nhất (tăng 173%).
Một chỉ số quan trọng đo lường mức độ an toàn tài chính của các công ty chứng khoán là tỷ lệ an toàn tài chính. Theo quy định, một công ty chứng khoán có tình hình tài chính được coi là "khỏe mạnh" phải có tỷ lệ vốn khả dụng từ 180% trở lên.
Trong số 19 công ty chứng khoán thuộc NHTM, tại 30/6/2012 (tỷ lệ an toàn tài chính được báo cáo 6 tháng/lần), có 15 công ty đáp ứng được yêu cầu, 3 công ty có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng dưới 180% (gồm BSC, MSBS, MHBS). Đặc biệt, chỉ tiêu này của SBS bị âm 18%.
Như vậy, có thể thấy các công ty chứng khoán thuộc NHTM không thể thoát khỏi xu thế khó khăn chung của ngành chứng khoán. Phía sau các công ty này là những ngân hàng vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, nhưng trong bối cảnh ngân hàng phải gắng sức xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận giảm thì việc hỗ trợ tài chính có lẽ sẽ không còn lớn.
Trong lúc khó khăn, có thể sẽ xảy ra tình trạng bất câp và tiêu cực, lúc này đòi hỏi có sự can thiệp của cơ quan quản lý. Theo một nguồn tin, hiện Ủy ban chứng khoán đang thanh tra đến các đơn vị cuối cùng trong nhóm các công ty chứng khoán thuộc NHTM.
Nguồn Khampha