Thứ Hai | 19/11/2012 12:00

Nhìn lại Groupon và mô hình này tại Việt Nam

Sau khi gây quỹ hơn 1,1 tỷ USD, Groupon trả 940 triệu USD cho người sáng lập hoặc đầu tư sớm. Khoảng 1 năm sau IPO, giá cổ phiếu Groupon rớt 80%.
Mô hình bán hàng theo thể thức nhóm bắt đầu được manh nha hình thành vào cuối năm 2008 khi một công ty có tên Groupon (Groupon = Group + Coupon) ra đời tại Mỹ.

Công ty này hoạt động với một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới lạ vào thời điểm đó khi người mua có thể được giảm giá tới 90% số tiền cần phải bỏ ra để mua sản phẩm miễn là có đủ số người mua sản phẩm đó cùng mình.

"Thương vụ hời nhất trong ngày"

Mô hình mà Groupon lựa chọn đến thời điểm hiện tại được gọi với cái tên "thương vụ hời nhất trong ngày". Công ty này tìm kiếm lợi nhuận bằng cách làm cầu nối giữa bên cung và bên cầu.

Trước tiên, Groupon tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ để đăng tải lên trang web của mình. Các sản phẩm đăng tải trên trang web của Groupon rất đa dạng, từ những thẻ học lớp Yoga cho tới mỹ phẩm, bất kì thứ gì hợp pháp mà người tiêu dùng quan tâm. Thông thường giá sẽ rất rẻ so với trên thị trường, thấp hơn từ ít nhất 10% tới mức chiết khấu lớn, thậm chí 90%.

Phía mua sẽ xem trên trang web của Groupon có sản phẩm phù hợp với mong muốn của mình hay không. Tuy nhiên người mua chưa thể mua ngay mà phải đăng kí mua. Đến khi đủ số người mua theo hạn định mà Groupon đặt ra, sản phẩm sẽ được cung cấp cho tất cả những người đăng kí.

Khi đó, Groupon sẽ cắt lại 50% doanh thu của sản phẩm bán được và trả cho bên cung cấp dịch vụ một nửa. Như vậy, Groupon đóng vai trò trung gian để nhận lợi nhuận còn nhà cung cấp dịch vụ sẽ được lợi khi có lượng khách hàng đủ lớn để bù đắp chi phí. Tất nhiên cũng có nơi sử dụng Groupon như một hình thức quảng cáo và họ không quan tâm nhiều lắm tới số tiền thu về tại thời điểm đó.

Được định giá lên tới 6,4 tỷ USD

Quãng thời gian 2008 là lúc mô hình kinh doanh kiểu này lần đầu tiên ra đời và rất mới mẻ đối với cả người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Chính vì vậy, Groupon thu hút được nhiều nhà đầu tư và có doanh số khá tốt.

Trong vòng 1,5 năm hoạt động kể từ cuối năm 2008, do đầu tư nhiều để mở rộng quy mô, Groupon chưa có lãi nhưng họ vẫn nhận được số tiền đầu tư lên tới 135 triệu USD. Sau đó, Groupon nhanh chóng mở rộng ra các thị trường khác thông qua việc mua lại các trang web bán hàng tương tự như mình tại châu Âu, Nam Mỹ, Nhật, Nga và sau đó là Ấn Độ - nơi có lượng người tiêu dùng hùng hậu.

Chính vì mô hình kinh doanh mới lạ và hứa hẹn, hai ông lớn trong làng công nghệ thế giới là Yahoo! và Google đã chào mua Groupon với giá hơn 3 tỷ USD và hơn 6 tỷ USD nhưng công ty quyết định từ chối. Cùng trong khoảng thời gian đó họ đã tự kêu gọi được đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD và chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Lúc này Groupon đang ở trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất với doanh thu năm 2011 lên tới 760 triệu USD. Với doanh thu cao và khả năng tăng trưởng cao, nhiều đơn vị tư vấn định giá Groupon lên tới 6,4 tỷ USD.

Chính vì triển vọng tốt, khi bắt đầu chào bán lần đẩu cổ phiếu ra công chúng tháng 11/2011, các nhà điều hành và đơn vị bảo lãnh phát hành cho Groupon đã đặt giá 20 USD/cổ phiếu.

Nguồn: Tổng hợp, GAFIN
Nguồn: Tổng hợp, GAFIN

Đi xuống chỉ sau 1 năm

Chỉ khoảng 1 năm sau IPO, giá cổ phiếu Groupon rơi 80% xuống 2,76 USD/cổ phiếu. Điều này thể hiện việc nhà đầu tư không tin tưởng vào mô hình kinh doanh và tăng trưởng của công ty cũng như khả năng điều hành của những người lãnh đạo Groupon.

Trước hết là mô hình kinh doanh. Mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm 2012 của Groupon vẫn tốt, đạt 850 triệu USD, nhiều người bắt đầu từ bỏ dịch vụ này.

Đầu tiên là người dùng. Nhiều ý kiến cho rằng mô hình mà Groupon theo đuổi không giúp tạo nên một lớp những người tiêu dùng trung thành. Họ chỉ lướt qua để tìm những thương vụ có lợi và sẵn sàng quay sang trang web bán hàng với cách tương tự như Groupon để tìm sản phẩm phù hợp.

Tiếp theo là những nhà cung cấp dịch vụ. Theo một khảo sát của New York Post hồi đầu năm 2012, trong số 400 doanh nghiệp được tham khảo ý kiến, hơn một nửa cho biết sẽ tạm dừng hợp tác cung cấp dịch vụ trên Groupon trong ít nhất 6 tháng tiếp theo.

Trước đó, vào năm 2011, một phân tích trên tờ TechCrunch nhận xét rằng mô hình mà Groupon tiến hành thực sự là "con cá mập" khi lấy đi quá nhiều lợi nhuận của bên cung cấp dịch vụ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tương lai dài hạn của công ty.

Do vậy, mô hình kinh doanh này sẽ thu hẹp lại đến khi chỉ những người thực sự có lợi từ mô hình mới tiếp tục tham gia. Ví dụ như những người mua phiếu giảm giá cho lớp học Yoga.

Một điều nữa, nghiêm trọng hơn, là cả bên tiêu dùng lẫn cung cấp dịch vụ có thể phải chấp nhận khó khăn mà Groupon sẽ không giúp họ giải quyết. Đó là việc bên bán sản phẩm không thể làm hài lòng khách hàng khi có quá đông người tới vào cùng thời điểm. Điển hình nhất là hệ thống nhà hàng hay quán cafe có sử dụng Groupon.

Giả sử có 1000 người mua phiếu uống cafe tại một tiệm cafe. Với yêu cầu giới hạn thời gian sử dụng, khả năng nhiều người tới quán trong cùng thời điểm rất cao. Khi đó, bên bán cũng khó có thể cung cấp dịch vụ tốt và bên mua lại không cảm thấy hài lòng do phục vụ không tốt.

Điều này xảy ra trong thực tế khi một quán bán bánh nhỏ đã phải cung cấp tới hơn 100.000 chiếc bánh trong vòng 1 tháng để hoàn thành thương vụ trong khi tại thời điểm bình thường, cửa hàng chỉ bán 100 chiếc bánh mỗi tháng.

Đó là vấn đề về mô hình kinh doanh. Quản trị và sử dụng dòng tiền cũng không phải là điều các nhà đầu tư thích thú ở Groupon. Sau khi gây quỹ được hơn 1,1 tỷ USD vào tháng 10/2011, Groupon đã trả ngay bằng tiền mặt số tiền hơn 940 triệu USD cho những người sáng lập hoặc đầu tư sớm vào công ty. Như vậy, Groupon chỉ còn lại khoảng 200 triệu USD cho các hoạt động khác.

Quy mô mở rộng quá nhanh khiến chi phí hoạt động lên cao cũng là yếu tố mà nhà đầu tư lo ngại ở Groupon. Chỉ trong vòng 4 năm, Groupon đã mở rộng ra hơn 500 thị trường tại hơn 40 nước. Doanh số quý II/2012 vừa qua sụt giảm cộng với chi phí hoạt động tăng cao hơn là minh chứng cho những nghi ngại từ phía nhà đầu tư.

Như vậy, có thể thấy Groupon vẫn là một mô hình kinh doanh mới mẻ và hứa hẹn. Song, để có thể phát triển tốt, cần một cơ chế bền vững giữa cả 3 bên: cung cấp dịch vụ - trung gian - người tiêu dùng. Hơn nữa, dù cần thiết nhưng việc mở rộng phải được cân nhắc tránh chi phí quá cao mà doanh thu không bù đắp được.

Mô hình Groupon tại Việt Nam

Mô hình mua theo nhóm phát triển mạnh tại Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2011 với các trang web như nhommua.com, muachung.com, hotdeal.vn... và sao chép gần như nguyên bản mô hình Groupon.

Theo đó, các công ty này sẽ tìm tới các nhà cung cấp, những người đang muốn gia tăng doanh số hoặc muốn quảng bá thương hiệu của mình. Những sản phẩm này sẽ được đăng trên website, sau khi đủ số người mua nhất định với một món hàng, công ty sẽ cung cấp cho khách hàng đăng ký mua hàng những voucher với mức giảm giá 10 - 90% so với giá nhà cung cấp niêm yết.

Với việc cung cấp các sản phẩm đa dạng cộng với mức giảm giá hấp dẫn và dịch vụ giao hàng tận nơi, ban đầu các công ty mua hàng theo nhóm đã thu hút được sự chú ý mạnh mẽ của thị trường. Các trang web mua theo nhóm ra đời ngày càng nhiều và tới nay đã có khoảng 100 trang web cung cấp dịch vụ này.

Điều này đặt ra cho các công ty sức ép cạnh tranh lớn và áp lực với chi phí khi chủ yếu các trang web mua theo nhóm phải tiếp tục quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các trang thông tin điện tử khác cũng như phải mở rộng hệ thống phân phối, giao hàng.

Đầu tháng 2/2012, Zingdeal, mô hình mua theo nhóm được thành lập trong giai đoạn đầu (tháng 11/2010) do công ty cổ phần VNG quản lý đã ngừng hoạt động.

Ở một diễn biến khác, tháng 11/2012, website Nhommua.com thuộc công ty TNHH Nhóm Mua, đơn vị chiếm trên 50% thị phần mua hàng theo nhóm cũng phải tạm ngừng hoạt động trong 4 ngày trong bối cảnh ông Tom Trần - nguyên Giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập Nhóm Mua bị HĐQT miễn nhiệm.

Thông cáo báo chí của đại diện truyền thông công ty Nhóm Mua phát đi cho biết, việc cơ quan tiến hành điều tra xuất phát từ yêu cầu của một nhóm cổ đông cho rằng ông Tom Trần có dấu hiệu không minh bạch trong quản lý, qua đó gây thiệt hại cho các cổ đông.

Trong thời gian Nhóm Mua tạm ngừng đóng cửa, khách hàng đã bị từ chối sử dụng voucher tại hệ thống các cửa hàng như Kichi Kichi, Nhà hàng Ba Con Cừu... Đây là hệ quả của việc Nhóm Mua giữ tiền mua voucher của khách hàng sau đó mới thanh toán cho đơn vị cung cấp với tỷ lệ nhất định theo thỏa thuận.

Đến ngày 17/11, Nhóm Mua đã hoạt động trở lại, những giao dịch đặt hàng, mua bán cũng như thanh toán voucher đã diễn ra bình thường. Tuy nhiên, một khách hàng đã mua voucher của Nhóm Mua cho biết, sau sự cố đã ngần ngại việc mua hàng theo dịch này.

Nguồn Khampha


Sự kiện