Nhìn lại các lần xem xét chống bán phá giá cá tra, basa Việt Nam vào Mỹ
Trong nước, với việc không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, khép kín, sản lượng cá tra Việt Nam không ngừng tăng mạnh, giá thấp hơn, đáp ứng ngày một tốt hơn cho nhu cầu xuất khẩu. Năm 2001, Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ khiến thuế nhập khẩu thủy sản giảm xuống còn 0%.
Do vậy, lượng cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã không ngừng tăng mạnh, từ 59 tấn năm 1996 lên 3.191 tấn năm 2000 và trên 103 nghìn tấn năm 2012. Thị phần xuất khẩu vào Mỹ cũng tăng từ 5,2% năm 1996 lên 85,4% năm 2000 và 95,9% năm 2012.
Sự xuất hiện của cá tra, basa Việt Nam trên thị trường Mỹ khiến biên lợi nhuận của nhà sản xuất cá da trơn Mỹ giảm mạnh và họ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá. Năm 2002, Hiệp hội chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) đã đệ đơn kiện lên Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) và Bộ Thương mại Mỹ (DOC).
Năm 2003, DOC ra phán quyết doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa đã bán phá giá và áp thuế, đồng thời ban hành quy định về việc sản phẩm cá tra, basa Việt Nam không phải là catfish2 và không được dán nhãn “catfish” trên bao bì sản phẩm. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam đã trải qua 8 lần bị xem xét hành chính bán phá giá (POR).
Vì không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, nên khi xác định mức thuế chống bán phá giá, DOC chọn một nước khác có nền kinh tế thị trường, với những điều kiện gần tương đương với Việt Nam làm nước thay thế để lấy số liệu tính chi phí sản xuất và giá bán.
Trong các đợt xem xét hành chính, một số nước như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines được đưa ra phân tích nhưng cuối cùng Banladesh được cho là lựa chọn thích hợp nhất làm nước thay thế. Với điều kiện sản xuất gần như tương đồng, giá thành sản xuất ở Bangladesh không khác mấy với Việt Nam. Vì vậy mức thuế chống bán phá giá qua mỗi kỳ xem xét được tính ra tương đối thấp, thậm chí bằng 0, và ngày càng có lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: Tổng hợp
Đáng chú ý là trong suốt những lần xem xét bán phá này, phía nguyên đơn, CFA đã nhiều lần yêu cầu DOC thay đổi nước thay thế. Do vậy, mức thuế sơ bộ ban đầu mà DOC đưa ra cao hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng.
Cụ thể, trong lần xem xét thứ 6 (POR6), mức thuế sơ bộ DOC đưa ra lên tới 2,44-4,22USD/kg đối với các bị đơn bắt buộc như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC.), CTCP Agrifish An Giang (AGF.) do chọn Philippines thay thế cho Bangladesh trong tính thuế bán phá giá.
Trong khi đó, so với Bangladesh, giá nguyên liệu nuôi cá của Philippines cao hơn 2,5 lần, chi phí nhân công tăng 2 lần, chi phí quản lý cao hơn 40% cộng thêm một quy trình nuôi trồng, chế biến chưa đồng bộ đã đưa giá thành cá tra tại nước này luôn ở mức cao.
Trong lần xem xét thứ 7 (POR7), DOC lại chọn 2 nước thay thế là Bangladesh và Indonesia. Theo đó, ngoại trừ Vĩnh Hoàn tiếp tục được xác định mức thuế bằng 0%, mức thuế đối với các bị đơn bắt buộc khác là 0,56 USD/kg, tức khoảng 15%.
Trong những lần này, do mức thuế bất hợp lý được đưa ra trong quyết định sơ bộ nên doanh nghiệp Việt Nam có đủ thời gian để khiếu kiện và đưa ra các bằng chứng xác thực nên thắng kiện, buộc DOC thay đổi quyết định theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Trong lần xem xét thứ 8 vừa qua (POR8), trái với các lần trước, quyết định sơ bộ của DOC chọn Bangladesh là nước thay thế tính thuế chống bán phá giá. Do vậy mức thuế các doanh nghiệp phải chịu rất thấp và hầu như không đổi so với POR7. Tuy nhiên, trong quyết định cuối cùng, DOC đã chọn Indonesia thay cho Bangladesh, khiến thuế chống bán phá giá cá tra của các doanh nghiệp tăng lên mức bình quân từ 0,19-1,34USD/kg với các bị đơn tham gia vụ kiện và 2,11USD/kg với các doanh nghiệp khác.
Theo thông tin từ VASEP, trong lần này, khi DOC gửi bản câu hỏi thì Bangladesh không trả lời. Điều này, buộc DOC phải chọn Indonesia làm nước thay thế. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, chủ tịch VASEP, trong 7 lần xem xét hành chính trước, Bangladesh cũng không trả lời câu hỏi của DOC nhưng kết quả vẫn có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Lần này, kết quả xem xét cuối cùng thay đổi cho thấy có nhiều nguyên nhân chưa rõ đằng sau quyết định của DOC.
Việc thuế chống bán phá giá tăng cao sẽ có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vì thuế cao đồng nghĩa với việc cả doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu đều chịu tổn hại, sản phẩm mất sức cạnh tranh. Doanh nghiệp không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ phải chuyển hướng sang sang EU, Trung Đông... Các đối tác tại thị trường khác sẽ có cơ hội để ép giá cá tra xuống.
Tuy nhiên, các quan chức VASEP cho rằng việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ vì đây là cơ hội để các doanh nghiệp có mức thuế thấp chiếm thị phần, tăng xuất khu. Hơn nữa, lượng cá tra Việt Nam năm nay không nhiều, do vậy áp lực xuất khẩu không quá lớn.
Theo thông tin từ VASEP hôm 20/3, VASEP đã thống nhất sẽ kiện quyết định của DOC ra Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).
-------------------------------------------
(1) Thuế chống bán phá giá là biện pháp được Mỹ áp dụng nhằm mục đích bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất nội địa khỏi sự cạnh tranh được coi là không công bằng từ hàng hóa nhập khẩu. Thuế sẽ được áp lên hàng hóa nhập khẩu nếu thỏa mãn hai điều kiện:
1. Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) cho rằng hàng hóa được bán tại Mỹ thấp hơn giá thành sản xuất.
2. Ủy ban thương mại Quốc tế (ITC) kết luận rằng hàng hóa nhập khẩu đó có gây tổn hại đến ngành sản xuất trong nước.
Thời hạn áp thuế là 5 năm và đây chỉ là thuế tạm thời. Mỗi năm sau đó, cơ quan điều tra sẽ xác định biên phá giá thực tế của các nhà xuất khẩu trong năm trước đó và quyết định mức thuế chính thức cho họ. Nếu mức này cao hơn mức thuế tạm tính thì doanh nghiệp phải nộp bổ sung, nếu thấp hơn sẽ được hoàn trả.
Việc áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa đó do phải chịu thêm một khoản thuế. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng nước ngoài sẽ phải ký quỹ một khoản tiền với mức thuế cuối cùng chưa được xác định, sẽ có tâm lý e ngại.
(2) Catfish là tên tiếng Anh chỉ tất cả các loài cá da trơn (không có vảy), gồm cá trê, cá nheo, cá tra, basa, cá bông lau, cá lăng…thuộc bộ cá nheo (Siluriformes), gồm khoảng 2.500-3.000 loài cá khác nhau, phân bổ trong các thuỷ vực nước ngọt, mặn, lợ trên khắp thế giới. Các loài cá này được xếp vào các họ cá khác nhau, trong đó có họ cá nheo Mỹ (Ictaluridae) và họ cá da trơn châu Á (Pangasiidae). Cá tra, cá basa của Việt Nam là các loài cá đặc hữu của vùng châu thổ sông Mêkông thuộc giống Pangasius, họ Pangasidae, bộ Slurifornes. Về mặt khoa học và tập quán thương mại, không thể lấy tên một nhóm sản phẩm lớn của thuỷ sản thế giới để dành riêng cho một loài nào trong số đó.
Nguồn Khampha