Thứ Năm | 19/06/2014 08:46

Nhìn lại các lần điều chỉnh tỷ giá và biến động của thị trường chứng khoán

NHNN từng 2 lần điều chỉnh tỷ giá. Mỗi lần “ra tin”, không ít thì nhiều, thị trường chứng khoán cũng phản ứng.
Tối ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ giá. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD tức điều chỉnh tăng 1%.

Trong quá khứ, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tỷ giá. Mỗi lần “ra tin”, không ít thì nhiều, thị trường chứng khoán cũng phản ứng. Nhưng để đánh giá ảnh hưởng của những lần điều chỉnh tỷ giá đến chỉ số chứng khoán thì phải xét cả trong hoàn cảnh vĩ mô khi đó.

Ngày 11/02/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNH) đã có một quyết định tương đối bất ngờ là điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng 9,3% đồng thời giảm biên độ giao động từ (+/-3%) xuống còn (+/-1%).

Khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát hai con số và có xu hướng tăng cao trở lại (lạm phát tháng 01/2011 đã ở mức 1,74%). Kỳ vọng về việc giảm giá tiền đồng trong thời gian tới đang lên cao. Bên cạnh đó, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu khiến cho tâm lý găm giữ vàng và USD của người dân tăng, giá vàng liên tục thiết lập các mức kỷ lục mới.

Nhập siêu năm 2010 là 12,4 tỷ USD giảm nhẹ so với năm 2009. Nhưng trong Quý I/2011 nhập siêu ở mức 3 tỷ USD, cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP. Quan trọng hơn, nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam, tăng nợ quốc gia và gây sức ép giảm giá đồng nội tệ.

Thêm một tình trạng lúc đó là lãi suất huy động vốn của các NHTM đang có xu hướng tăng cao. Các NHTM đua nhau vượt trần lãi suất bằng nhiều hình thức làm cho VND tăng giá so với USD.

Sau ngày thay đổi tỷ giá này, thị trường chứng khoán đã phản ứng bằng một đợt giảm giá từ 520 điểm xuống 452,3 điểm vào ngày 3/3/2011 rồi có một đợt phục hồi ngắn trước khi bước vào giai đoạn đi ngang trong 2 tháng.

Mặc dù việc điều chỉnh tỷ giá khi đó là cần thiết nhưng thông tin này đã trở thành “giọt nước tràn ly” cho những căng thẳng tâm lý khi VN-Index đã tăng suốt từ cuối tháng 11/2010 đến giai đoạn đầu tháng 06/2011 dựa trên một nền tảng vĩ mô yếu đuối và bất ổn. Trong thời gian sau đó, thị trường diễn biến xấu nhưng nguyên nhân chính là do sự bất ổn vĩ mô nói trên.

Ngày 27/06/2013, NHNN một lần nữa điều chỉnh tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng tăng thêm 1% mà theo NHNN là để “nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ”. Phiên giao dịch ngay sau đó, tức ngày 28/06, VN-Index đã giảm 3,7 điểm nhưng nhanh chóng lấy lại phong độ và đi lên.

Nhìn lại tình hình vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013 khi đó, kinh tế đã có phần ổn định với lạm phát được kiềm chế, thâm hụt thương mại thấp và cán cân tổng thể thặng dư mặc dù còn điểm đáng e ngại là tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,9% so với cùng kỳ - mức thấp nhất trong giai đoạn 4 năm 2010 – 2013. Tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức thấp. Các lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm nhằm tạo điều kiện cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn thanh khoản cho ngân hàng.

Như vậy, dựa trên một nền tảng vĩ mô ổn định hơn thời điểm ngày 11/02/2011 và có thêm những chính sách hỗ trợ từ nhà điều hành, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đi theo xu hướng tăng trong 2 tháng sau đó.

Vậy thị trường chứng khoán sau ngày 18/06/2014 với thông tin tăng tỷ giá nói trên sẽ ra sao?

Trong những ngày gần đây, cặp tỷ giá VND/USD đã liên tục được các ngân hàng tăng lên hết biên độ (1%) và cơn sốt này được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lý giải là do tâm lý của người dân phần nào đó đã ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, thị trường vàng sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam.

Thống đốc cũng cho rằng trong năm 2014, NHNN có chủ trương giữ ổn định tỷ giá và nếu phải điều chỉnh sẽ không quá 2%. Tính đến ngày 9/6, tức đã gần nửa năm trôi qua nhưng NHNN chưa tiến hành điều chỉnh tỷ giá và tỷ giá tiếp tục ổn định. Do vậy trong xã hội xuất hiện kỳ vọng sẽ điều chỉnh tỷ giá.

Nhìn lại vĩ mô trong 6 tháng đầu năm, cán cân vãng lai của Việt Nam vẫn thặng dư. Cán cân thanh toán thặng dư ở mức trên 10 tỷ USD. NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối thêm 10 tỷ USD. Nói cách khác, cung - cầu ngoại tệ vẫn hết sức dồi dào. Vì vậy, theo NHNN thì điều kiện khách quan để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc các NHTM đưa giá bán USD lên sát trần cho thấy rằng cần có sự can thiệp và bình ổn kịp thời mà cụ thể là để khuyến khích xuất khẩu, NHNN nên xem xét điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp. Và khuyến nghị này đã được NHNN thực hiện vào ngày 18/06 này.

Có ý kiến cho rằng, với việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 1%, một doanh nghiệp lớn trong nhóm bluechips đã huy động trái phiếu quốc tế bằng USD có thể bị ảnh hưởng. Nhưng dù sao, việc thị trường sẽ như thế nào vẫn phải phụ thuộc vào tâm lý của số đông nhà đầu tư trong ngày 19/06 sau khi họ đánh giá tác động của thông tin này.

Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ


Sự kiện