Nhìn lại ALPHANAM trước khi hủy niêm yết
Ngày 31.12.2014, cổ phiếu ALP của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam sẽ chính thức hủy niêm yết. Ngày 30.12.2014 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này.
Cổ phiếu ALP chính thức niêm yết vào ngày 18.12.2007 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Tính đến ngày giao dịch cuối cùng sắp tới, cổ phiếu ALP đã niêm yết trên HOSE hơn 7 năm.
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA ALPHANAM
Alphanam trước khi niêm yết
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam ALP do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên cấp, ALP tiền thân là Công ty cổ phần Alphanam Công nghiệp được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cần phải nhắc đến Công ty TNHH Alphanam, sau nhiều lần đổi tên, với tên gọi hiện tại là Công ty cổ phần Alphanam E&C. Công ty TNHH Alphanam được thành lập từ năm 1995, 12 năm trước khi ALP niêm yết trên HOSE.
Khi mới thành lập, Công ty sản xuất tủ bảng điện và sau đó thi công các công trình điện, nước, hạ tầng kỹ thuật. Đến năm 1998, Công ty xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm composite tại Hà Nội. Năm 2007, trước khi ALP niêm yết, Alphanam E&C là một trong 4 công ty con của ALP.
Quay lại với ALP, năm 2006, Công ty cổ phần Alphanam Công nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần Alphanam, tăng vốn điều lệ lên 88 tỷ đồng.
Ngay trước khi niêm yết, ALP tái cơ cấu lại hệ thống công ty Alphanam và chuyển đổi hình thức hoạt động lấy Công ty cổ phần Alphanam làm công ty mẹ từ đầu năm 2007. Trong năm 2007, Công ty cổ phần Alphanam tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng và chính thức niêm yết trên HOSE.
Một nhà máy của Alphanam |
Chiến lược đầu tư vào các công ty đang thua lỗ
Đến cuối quý II/2014, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam ALP sở hữu 5 công ty con đầu tư trực tiếp và 13 công ty khác được đầu tư gián tiếp thông qua các công ty con của ALP. Ngoài ra, ALP còn 2 công ty liên kết khác.
Quyền kiểm soát của ALP tại 5 công ty con đầu tư trực tiếp giao động từ trên 60% đến 100%. Các công ty này bao gồm Công ty Liên doanh Fuji - Alpha, Công ty cổ phần Alphanam E&C, Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco và Công ty cổ phần Đô thị Hanel - Alphanam.
Công trình của Công ty cổ phần Alphanam E&C |
Quay lại thời điểm ngay trước khi niêm yết, ngày 30.11.2007, ALP có 4 công ty con gồm Công ty Cổ phần Alphanam Cơ điện (tên cũ của Công ty cổ phần Alphanam E&C), Công ty Cổ phần Alphanam Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Alphanam Sài Gòn và Công ty Liên doanh Fuji - Alpha.
Như vậy, sau hơn 7 năm, ALP chỉ còn sở hữu trực tiếp 2 công con mà trước khi niêm yết công ty sở hữu gồm Công ty cổ phần Alphanam E&C và Công ty Liên doanh Fuji - Alpha. ALP đã thoái vốn những công ty khác hoặc chuyển quyền sở hữu sang công ty con.
Nhà máy của Công ty Liên doanh Fuji - Alpha |
Công ty cổ phần Alphanam Đà Nẵng khi thành lập vào năm 2006, sản xuất, kinh doanh các thiết bị điện công nghiệp, vật liệu xây dựng, lắp đặt thang máy ... Alphanam Đà Nẵng được sáp nhập vào Công ty cổ phần Alphanam Miền Trung năm 2008. Đến tháng 5/2011, ALP đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Alphanam Miền Trung.
Công ty cổ phần Alphanam Sài Gòn được thành lập năm 2005, cũng sản xuất, kinh doanh các thiết bị điện công nghiệp, vật liệu xây dựng, lắp đặt thang máy… Trong năm 2012, ALP đã chuyển quyền sở hữu Alphanam Sài Gòn cho công ty con là Công ty Liên doanh Fuji - Alpha.
Doanh thu tăng nhờ sáp nhập, lợi nhuận chưa phân phối âm gần 400 tỷ đồng
Tính đến cuối quý III/2014, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ALP là 385,5 tỷ đồng. Công ty tiếp tục báo lỗ gần 144 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014.
Tổng tài sản, Vốn chủ sở hữu và Lợi nhuận chưa phân phối |
Giai đoạn từ năm 2006 đến trước khi niêm yết, hệ thống công ty Alphanam được tái cơ cấu và chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Theo đó, 1 công ty sẽ là công ty mẹ sở hữu các công ty con. Năm 2006, Công ty cổ phần Alphanam Công nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần Alphanam, tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 88 tỷ đồng và đóng vai trò công ty mẹ sở hữu một số công ty trong hệ thống Alphanam.
Đây là lý do khiến doanh thu ALP năm 2007 hơn gấp 3 lần doanh thu năm 2006. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế năm 2007 gấp 8 lần lợi nhuận sau thuế năm 2006 dù lãi cơ bản trên cổ phiếu giữ ở mức tương đương, trên 3.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2007, khi mới niêm yết, là thời điểm lợi nhuận sau thuế của ALP đạt mốc cao nhất gần 123 tỷ đồng. Sau đó, dù liên tiếp đầu tư, liên doanh và sáp nhập các công ty, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm dần và bắt đầu lỗ năm 2012 gần 149 tỷ đồng. Năm 2013, khoản lỗ tăng lên 213 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 là gần 144 tỷ đồng.
Trong các giải trình kết quả kinh doanh lỗ, ALP cho biết do công ty mua lại các công ty con (lỗ) nên phải trích lập dự phòng và phân bổ lợi thế thương mại.
Đầu năm 2011, ALP tiến hành góp vốn thành lập Công ty cổ phần với Tập đoàn Kansai (Nhật Bản). Tập đoàn Kansai là đối tác trong ngành sơn của ALP từ năm 2001. Đến tháng 12/2011, hoạt động sản xuất và kinh doanh các loại sơn và vật liệu xây dựng đã chuyển giao cho Công ty TNHH Sơn Kansai – Alphanam.
Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ sở của của ALP tại công ty này vẫn là 35% nhưng trị giá phần vốn góp đã giảm từ 110 tỷ đồng xuống còn 88 tỷ đồng theo ghi nhận từ các báo cáo tài chính soát xét của Alphanam. Hơn nữa, phần lỗ từ Kansai – Alphanam được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất là 10,5 tỷ đồng năm 2013 và 8,3 tỷ đồng năm 2012.
Sau các năm 2012, 2013 ALP báo lỗ liên tiếp, ngày 11.4.2014, Đại hội cổ đông thường niên của ALP đã thông qua xin hủy niêm yết tự nguyện.
ALP giải thích nguyên nhân xin hủy niêm yết tự nguyện là do hoạt động chính của Công ty hiện nay là đầu tư tài chính, chủ yếu mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Mục tiêu đầu tư là các công ty đang hoạt động thua lỗ có ngành nghề thuộc trọng tâm chiến lược phát triển của Công ty khiến công ty mẹ luôn nhận lỗ hợp nhất từ các công ty con.
Kết quả kinh doanh của ALP qua các năm |
Bên cạnh kết quả lợi nhuận sau thuế âm, doanh thu ALP giảm từ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2008 xuống gần 968 tỷ đồng năm 2012. Trong các năm 2010, 2011, ALP thanh lý các khoản đầu tư chiến lược mà ALP góp vốn năm 2007 như Công ty cổ phần Picenza Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, Công ty cổ phần Thể Thao Động Lực …
Năm 2012, ALP sáp nhập Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam vào Công ty cổ phần Alphanam, sau đó đổi tên Công ty cổ phần Alphanam thành Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam. Vốn điều lệ tăng gấp 3 lần, từ gần 646 tỷ đồng lên gần 1.925 tỷ đồng.
Sau đó, năm 2013, doanh thu đạt 1.756 tỷ đồng, gần gấp đôi doanh thu năm 2012. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu chỉ là 632 tỷ đồng.
Ngoài ALP, Công ty cổ phần Alphanam E&C AME, công ty con của ALP được niêm yết trên HNX từ 2010 và là công ty đầu tiên trong hệ thống công ty Alphanam, có doanh thu giảm từ năm 2010 đến 2013.
Đáng chú ý, AME lỗ lần lượt 5,4 tỷ đồng và 7,1 tỷ đồng trong các năm 2011, 2012. Tuy nhiên, năm 2013, AME đã báo lãi 21,4 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính tăng cao trong khi các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý giảm.
7 NĂM NIÊM YẾT CỦA CỔ PHIẾU ALP
Kể từ khi niêm yết, ALP nhiều lần bị nhắc nhở chậm công bố các báo cáo và vi phạm công bố thông tin khi giao dịch.
Từ năm 2009 đến năm 2012, Công ty thay đổi Kế toán trưởng 4 lần. Đáng chú ý, trong năm 2012, Công ty thay đổi Kế toán trưởng 2 lần vào tháng 3 và tháng 7. Từ tháng 7/2012, bà Bùi Kim Yến giữ vai trò Kế toán trưởng Alphanam cho đến nay.
Giao dịch nhiều nhất khi mới niêm yết
Trong suốt 7 năm giao dịch trên HOSE, cổ phiếu ALP được giao dịch nhiều nhất trong giai đoạn cổ phiếu mới niêm yết vào cuối năm 2007 với 30 triệu cổ phiếu.
Thời điểm 30.11.2007, ngay trước khi ALP niêm yết, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại ALP là hơn 12%, tương ứng với hơn 3,6 triệu cổ phiếu ALP.
Trong 9 phiên giao dịch cuối năm 2007, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên gần 210.000 cổ phiếu, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên 13,2 tỷ đồng. Giá đóng cửa trong 9 phiên giao động từ 60.500 đồng/cổ phiếu đến 66.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2007 và 2008, nhìn chung, cổ phiếu ALP được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Trong khi đó, từ năm 2009 đến năm 2013, nhà đầu nước ngoài bán ròng cổ phiếu ALP.
Giao động giá cổ phiếu ALP khi mới niêm yết |
Giá cổ phiếu giảm mạnh, khối lượng giao dịch trung bình giảm
Giai đoạn từ năm 2008 đến 2010, giao dịch trung bình mỗi phiên quanh mức 100.000 cổ phiếu. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên từ 1,3 tỷ đồng đến 3,1 tỷ đồng.
Từ năm 2008 đến năm 2010, Alpha đã chia cổ tức bằng cổ phiếu 3 lần. Đến cuối năm 2010, số lượng cổ phiếu niêm yết của ALP vào khoảng 43,82 triệu cổ phiếu.
Trong năm 2008, cổ phiếu ALP đóng cửa 67.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu năm và giảm xuống chỉ còn 10.100 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch cuối năm.
Trong suốt năm 2009, cổ phiếu ALP đều đóng cửa ở mức giá từ 8.800 đồng/cổ phiếu đến 19.400 đồng/cổ phiếu. Trong năm 2009, Alphanam thanh toán cổ tức tiền mặt 2 lần vào tháng 6/2009 và tháng 12/2009. Tỷ lệ thực hiện mỗi lần đều là 6%, tương ứng với 600 đồng cho mỗi cổ phần.
Trong năm 2010, giá đóng cửa cổ phiếu ALP cao nhất vào ngày 8/6/2010, đứng tại mức giá 31.300 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong tháng 5/2010, Công ty đã phải giải trình với HOSE về việc cổ phiếu ALP tăng trần 10 phiên liên tiếp trong các phiên giao dịch từ 20/4/2010 đến 6/5/2010.
Thời điểm ALP tăng trần 10 phiên liên tiếp trong năm 2010 là trước khi công ty con Alphanam E&C AME chính thức niêm yết trên HNX vào tháng 6/2010. Trong năm này, ALP đã giảm tỷ lệ sở hữu tại AME từ 81,26% xuống 51%.
Giao động giá cổ phiếu ALP giai đoạn 2008 – 2010 |
Giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng, ALP xin hủy niêm yết
Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013, giao dịch trung bình mỗi phiên quanh mức 12.000 cổ phiếu, chỉ bằng 1/8 khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên giai đoạn từ cuối năm 2007 đến năm 2010.
Giá cổ phiếu ALP đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2011 là 15.700 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch cuối cùng năm 2013, cổ phiếu ALP đóng cửa ở mức giá 4.000 đồng/cổ phiếu.
Từ năm 2011 đến năm 2013, Alphanam đã phát hành thêm khoảng 10,76 triệu cổ phiếu để chia cổ phiếu thưởng năm 2010 với tỷ lệ thực hiện 20%.
Cũng trong giai đoạn này, Công ty đã phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu để chuyển đổi cho lượng cổ phiếu riêng lẻ phát hành trong năm 2010.
Đáng chú ý, trong năm 2012, Alphanam đã phát hành thêm 127,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu cho cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, sáp nhập công ty này vào Công ty cổ phần Alphanam. Từ cuối năm 2012 đến nay, số lượng cổ phiếu niêm yết và lưu hành của Alphanam là 192,48 triệu cổ phiếu.
Biến động giá cổ phiếu ALP từ ngày 18.12.2007 đến ngày 4.12.2014 (giá đã pha loãng) |
Trong tháng 8/2012, Công ty cổ phần Alphanam đã chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam.
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Tuấn Hải đã từ nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Alphanam và chỉ còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông Bùi Hoàng Tuấn thay ông Hải giữ vai trò Tổng Giám đốc. Ngoài ra, Nguyễn Minh Nhật, con trai ông Hải, được bầu vào HĐQT ALP.
Tháng 4/2013, cổ phiếu ALP bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ trên báo cáo tài chính năm 2012 đã được kiểm toán đều âm.
Tháng 5/2013, Alphanam thông báo dự kiến mua lại tối đa 5% cổ phần đang lưu hành, tương ứng với 9,62 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ từ tháng 6/2013 với giá không quá 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng không thực hiện được.
Tháng 2/2014, HOSE thông báo cổ phiếu ALP có khả năng bị tạm ngừng giao dịch và chuyển sang diện giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát nếu kết quả hoạt động kinh doanh năm 2013 đã được kiểm toán vẫn tiếp tục là số âm.
Cuối tháng 2/2014, Hội đồng quản trị ALP chấp thuận cho ông Nguyễn Minh Nhật – Thành viên Hội đồng quản trị - chào mua công khai tự nguyện tối đa 5% cổ phần ALP, tương đương 9,62 triệu cổ phiếu thay cho Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam.
Tháng 3/2014, ông Nguyễn Minh Nhật chào mua hơn 9,62 triệu cổ phiếu ALP với giá 4.200 đồng/cổ phiếu từ 14/3/2014 đến 14/4/2014 nhưng không thành công.
Từ 15/4/2014, cổ phiếu ALP giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.
Ngày 4/12/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã công bố quyết định về việc hủy niêm yết tự nguyện 192.484.413 cổ phiếu ALP của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam. Cổ phiếu ALP sẽ chính thức hủy niêm yết từ ngày 31/12/2014. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này là ngày 30/12/2014.
Kể từ khi công bố ngày chính thức hủy niêm yết, cổ phiếu ALP được giao dịch nhiều hơn trước đó. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên trong 8 phiên gần đây là hơn 20.000 cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại bán ra trung bình hơn 10.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Trước khi hủy niêm yết, gia đình Chủ tịch ALP sở hữu gần 90% cổ phần
Thời điểm 30.11.2007, ngay trước khi cổ phiếu ALP niêm yết trên HOSE, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, sở hữu 33,33% cổ phần.
Từ năm 2008 đến nay, ông Nguyễn Tuấn Hải và gia đình liên tục mua vào cổ phiếu ALP.
Trong năm 2008, ông Nguyễn Tuấn Hải đã mua vào 2,21 triệu cổ phiếu ALP, nâng tỷ lệ sở hữu lên 39%. Bà Đỗ Thị Minh Anh, vợ ông Hải, đã mua và nhận tổng cộng 4,171 triệu cổ phiếu ALP, nâng tỷ lệ sở hữu lên 15,53%.
Trong năm 2009, bà Đỗ Thị Minh Anh đã mua 1,744 triệu cổ phiếu ALP, nâng tỷ lệ sở hữu từ 15,53% lên 20%.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Nhật, con trai ông Hải, đã mua thêm 1,235 triệu cổ phiếu ALP, nâng tỷ lệ sở hữu từ 1,83% lên 4,98% trong năm 2009. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Ngọc Mỹ, con gái ông Hải, đã mua và nhận hơn 1,943 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,98% cũng trong năm này.
Ông Nguyễn Tuấn Hải tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại Alphanam lên 50,04% vào cuối năm 2010.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014 của Alphanam, tổng tỷ lệ sở hữu của các thành viên gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải tại Alphanam là 89,58%.
Nguồn DVO