Thứ Bảy | 23/08/2014 08:49

Nhiều vướng mắc trong thủ tục hải quan cần tháo gỡ

Lấy ý kiến trực tiếp các DN trong quá trình xây dựng và thực thi các quy định đóng vai trò quan trọng để đơn giản hóa các thủ tục hải quan.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là một trong những mục đích của Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục hải quan" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại TP.HCM ngày 22/8.

Tại Hội thảo, ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Pháp lý, Thể chế và Năng lực cạnh tranh, dự án USAID GIG đã nêu những ghi nhận từ thực tế khảo sát của đoàn công tác của CIEM và USAID. Đó là việc thực hiện thủ tục hải quan chưa thống nhất trên toàn quốc, đặc biệt là việc chuyển luồng tờ khai (từ ưu tiên sang không ưu tiên); giấy tờ yêu cầu cung cấp không thống nhất; các vướng mắc phát sinh về khi áp dụng hải quan tự động VNACC/VSIC, gây phiền hà cho DN...

Theo bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, dù áp dụng hải quan tự động nhưng việc truyền dữ liệu từ chi cục làm thủ tục đến chi cục cửa khẩu vẫn phải làm bằng tay và giấy; việc khai nộp thuế, khai tờ khai gây mất nhiều thời gian cho DN.

Một số DN (đề nghị không nêu tên) phàn nàn tiêu chí phải kê khai quá nhiều; tiêu chí khai được mã hóa vừa nhiều vừa khó hiểu, khiến bộ phận làm thủ tục của DN phải đối chiếu làm mất nhiều thời gian.

Về hải quan điện tử, các DN cũng phản ánh các vướng mắc vẫn chưa tháo gỡ được là thanh khoản hàng gia công chưa được thiết kế trong VNACCS/VSIC (phần mềm hệ thống của Nhật Bản không thiết kế DN làm hàng gia công, trong khi số lượng DN loại này ở Việt Nam rất nhiều). Ngoài ra, các vấn đề khác DN phải đối mặt là chi phí cho các hãng tàu rất cao, các loại phí bị lạm dụng…

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, bà Đặng Thị Bình An cho rằng cốt lõi phải khắc phục ngay sự thiếu thống nhất vì mỗi nơi một yêu cầu sẽ gây khó cho DN. Còn về lâu dài, muốn đẩy nhanh thời gian thông quan, cắt giảm thủ tục hành chính, cần mở rộng các đối tượng ưu tiên hải quan và phải có chương trình riêng cho các đối tượng này.

Chuyên gia Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho rằng: Ngành Hải quan đã có nhiều cải cách nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cần phải thay đổi nếu muốn cải cách thành công. Khác với trước đây, khi mà nhiều DN "chán nản" với việc các kiến nghị bị phớt lờ khi xây dựng văn bản pháp luật, thì thời điểm này là cơ hội lớn nhất khi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính đã trực tiếp chỉ đạo cải cách rất quyết liệt. Do đó, cộng đồng DN cần tích cực đóng góp các ý kiến để hoàn thiện các quy định thủ tục hải quan, tránh việc ban hành các quy định theo tư duy quản lý quá "chi li" hoặc câu chữ không rõ ràng, gây khó cho doanh nghiệp.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu đã giới thiệu dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để lấy ý kiến đóng góp của các DN, Kho bạc Nhà nước TP.HCM và các tổ chức tín dụng.

Thông tư có nhiều điểm mới theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Chẳng hạn, việc truyền dữ liệu giữa cơ quan thu thuế và cơ quan Hải quan giảm từ 1 giờ/lần xuống còn 15 phút/lần, rồi sẽ tiến tới trao đổi online để đẩy nhanh, rút ngắn thời gian phản hồi thông tin nộp thuế cho DN...

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện