Thứ Bảy | 16/08/2014 10:58

Nhiều tỉnh miền Trung kêu thiếu vốn đầu tư hạ tầng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều ý kiến nói miền Trung có quá nhiều sân bay, cảng biển.
Tại diễn đàn kinh tế miền Trung với chủ đề "Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới" do Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức ngày 15-8 tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.

Nhưng đây hầu hết là sân bay, cảng biển đã cũ và được đầu tư từ lâu. Nền kinh tế của miền Trung vẫn chưa đủ để tích lũy, đầu tư chưa cao, giao thông vận tải để liên kết toàn vùng còn yếu, cảng biển sân bay chưa đủ tầm cỡ, chưa được đầu tư đúng mức. Do đó cần hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch tổng thể vùng, tăng cường kết nối hạ tầng, tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế, nhất là hạ tầng dùng chung... Trong khi đó, lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị đều kêu ca thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cũng tại hội nghị, TS Trần Du Lịch, trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, đề nghị Nhà nước cần nhanh chóng xác định phát triển kinh tế biển miền Trung thành chiến lược quốc gia về biển. "Chuyện xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá đã nói nhiều nhưng giờ bảo chưa có vốn. Theo tôi, trên địa bàn miền Trung còn nhiều doanh nghiệp nhà nước nên chúng ta cứ lấy bán đi để có vốn đầu tư. Cứ bán đi lấy tiền mà đầu tư chứ còn chần chờ gì nữa" - ông Lịch nói.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi: Vậy thì miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai để có thể bứt phá phát triển, để có thể, thậm chí, mở đường cất cánh cho cả nước? Theo ông Thiên, kinh tế miền Trung cần phát triển theo hướng liên kết phát triển du lịch - dịch vụ đẳng cấp cao là trục phát triển chủ đạo và xuyên suốt của vùng, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cảnh báo trào lưu phát triển, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế biển hiện nay không khéo sẽ bị lạm dụng về tính hiệu quả giữa đánh cá và quốc phòng. Ông Thành cũng nêu ra ví dụ về khu kinh tế Dung Quất (Quảng Nam) và nói rằng ở tỉnh này đang xuất hiện tình trạng hai nền kinh tế trong một tỉnh. Bởi thật sự hiện tại dự án này không có sức lan tỏa cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Nguồn Tuổi trẻ


Sự kiện