Với tín hiệu khả quan này, ngành hàng rau quả đang có nhiều hy vọng bứt phá mạnh mẽ trong cả năm 2021. Ảnh: baonhandan

 
Thái Bình Thứ Sáu | 07/05/2021 17:00

Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu nông sản Việt

Xuất khẩu các mặt hàng rau quả, thủy sản chế biến tăng trưởng mạnh ​những năm gần đây đã "cứu cánh" cho các mặt hàng tươi sống bị tụt giảm do dịch.

Theo Bộ NN & PTNN, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020. Với tín hiệu khả quan này, ngành hàng rau quả đang có nhiều hy vọng bứt phá mạnh mẽ trong cả năm 2021.

Không chỉ tăng mạnh về kim ngạch mà 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận sự đa dạng về thị trường. Tháng 1.2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 59,1% thị phần, đạt 182,9 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Theo chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên: "Hai tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã đạt những kết quả khả quan, nên hoàn toàn có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đẩy tiếp được đà tăng trưởng trong thời gian tới. Thực tế, ngành hàng rau quả đang có nhiều lợi thế tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Mặt khác, thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm rau quả của nước ta đã đáp ứng được đầy đủ tiêu chí khắt khe nhất của các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Từ đó tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng trên thế giới về các nông sản của Việt Nam". Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành hàng trong thời gian tới vẫn là tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… trên cơ sở xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, nhà máy chế biến có chứng nhận tiêu chuẩn ISO.

 

Mới đây, tại Long An,  Công ty cổ phần Louis Holdings khởi công nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu Toccoo. Đây là nhà máy sẽ tập trung sản xuất và mang ra thế giới các sản phẩm từ nguồn nông sản chủ lực của tỉnh Long An và phụ cận là thanh long, mít, khóm, xoài. Với Công suất 4 tấn/h; mỗi năm nhà máy dự kiến cung cấp cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu từ 15.000 đến 20.000 tấn sản phẩm.

Nhà máy được xây dựng trên đất của tập đoàn có diện tích: 17.155 m2, với tổng vốn đầu tư dự án là 250 tỉ. Mục tiêu doanh thu năm của nhà máy sẽ đạt từ 800-1000 tỉ đồng sau khi chính thức vận hành hoàn thiện.

Mục tiêu doanh thu của nhà máy sẽ đạt từ 800 – 1.000 tỷ đồng sau khi chính thức đi vào vận hành. Ảnh: Tocco
Mục tiêu doanh thu của nhà máy sẽ đạt từ 800 – 1.000 tỷ đồng sau khi chính thức đi vào vận hành. Ảnh: Tocco

Ông Huỳnh Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty Louis Holdings cho biết, nhà máy có thể chính thức đi vào vận hành vào tháng 7.2021.

Mặc dù xây dựng và đi vào vận hành trong thời điểm ngành xuất khẩu nông sản đang còn gặp khó do dịch Covid-19, nhưng theo ông Vinh, trong nguy vẫn luôn có cơ, bởi chỉ số phát triển của ngành rau, củ, quả hàng năm của Việt Nam vẫn tăng trưởng trên hai con số.

Ông Vinh cho biết thêm, nhà máy Toccoo sẽ tập trung vào sản xuất và xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc... các sản phẩm từ nguồn nông sản chủ lực của tỉnh Long An và phụ cận là thanh long, mít, khóm, xoài.