Thứ Ba | 05/05/2015 08:04

Nhiều thị trường lớn giảm nhập khẩu thủy sản Việt Nam

Trong quý I/2015, xuất khẩu thủy sản đã giảm 14,7%.

Mặc dù quý I/2015 đã qua đi với nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhưng sản lượng nông, lâm, thuỷ sản lại diễn ra trong èo uột khi mà giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đã giảm tới hơn 13% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm này, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, những tháng đầu năm 2015, biến động trên thị trường thế giới tương đối bất ngờ, cân đối cung cầu trên thị trường thế giới có thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều nước xuất khẩu đã gia tăng sản lượng xuất khẩu của mình (điển hình Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia).

Ngoài những nguyên nhân trên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, do suy thoái kinh tế, dẫn tới cầu yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam cũng đang bị các nước khác tăng cường xuất khẩu làm thị phần bị ảnh hưởng. 

“Năng lực của doanh nghiệp kể cả chế biến, xuất khẩu thủy sản, cao su, gạo có cải thiện nhưng năng lực về tài chính và thị trường còn yếu. Đây là những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm xuất khẩu, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh và mạnh. Tạo ra áp lực lớn cả thị trường quốc tế và cả nội địa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cũng cho biết, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra rà soát lại địa phương khu vực sản xuất, làm việc với các hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Cũng theo ông Thừa, hiện nay, nguồn cung của cả thế giới đang lớn hơn cầu nhiều. Các nước có xu thế muốn tự cung cấp, phấn đấu tăng sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu. Riêng tại thị trường trong nước, có mặt hàng sản lượng tăng trên 40%, diện tích và năng suất đều tăng. Tuy nhiên, sản lượng tăng nhưng chất lượng không tăng. 

“Chúng tôi cũng cảnh báo nếu doanh nghiệp không tập trung vào tăng cường an toàn chất lượng, thì sẽ còn khó khăn trong xuất khẩu”, ông Thừa cho biết. 

Cần có cái nhìn dài hạn cho thị trường 

Cùng nằm trong nhóm hàng nông lâm thủy sản, trong quý 1  vừa qua, ngành hàng thủy sản từng chiếm đến 25% giá trị xuất khẩu cũng đã giảm tới hơn 20% so với cùng kỳ 2014. Đây được xem là con số đang lưu ý về tình hình xuất khẩu trong quý I vừa qua. 

Liên quan đến tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trên thực tế thủy sản chỉ giảm 14,7%. Nguyên nhân do lượng hàng xuất khẩu vào 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, EU và Nhật đều giảm (EU giảm 17%, Nhật giảm 17% và Mỹ giảm 36,8%). 

Ông Dũng cũng cho biết, năm nay thị trường xuất khẩu thuỷ sản sẽ khó khăn. Vì vậy, chuyện thị trường, lên xuống là chuyện cần được nhìn dài hạn. Cần có những biện pháp ngắn hạn, nhưng không cần quá hối hả. 

“Trong giải pháp điều hành cả dài hạn và ngắn hạn hình như ta chưa đạt đến sự phối hợp chặt chẽ. Công tác thông tin cũng chưa nhịp nhàng, nhiều khi chính thông tin quá vội vã nên gây tác dụng ngược. Điển hình như: chất lượng an toàn vệ sinh và lượng trả về năm nay cũng chỉ như những năm trước nhưng nếu cứ nhấn mạnh yếu tố này thì sẽ thấy tình trạng tồi tệ hơn thực tế”, ông Dũng nói. 

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, thời gian qua, ách tắc trong thông quan và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như dưa hấu và thanh long, hành tím đã tạo ra sự quan tâm lớn của xã hội. Thực tế, công tác phát triển thị trường phục vụ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản, sản phẩm của nông dân được Nhà nước quan tâm và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt. 

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, qua sự việc ùn tắc nông sản thời gian vừa qua, cần xem lại công tác thông tin để xã hội hiểu hơn nữa về nhiệm vụ, yêu cầu. Đây không phải là bao biện. Từ chỗ hiểu đúng, hiểu được những yếu tố kinh tế thị trường thì mới có đồng thuận cao hơn và chia sẻ cách thức tổ chức. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới và có 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đàm phán ký kết. Cơ hội chưa bao giờ lớn như hiện nay với nông sản, doanh nghiệp và nông dân chưa bao giờ có điều kiện tiếp cận như vậy. “Hội nhập có cả cơ hội và thách thức. Nhưng có nghịch lý rằng, rất nhiều lần tại diễn đàn thấy rằng các doanh nghiệp hầu như không biết gì về FTA, không được chuẩn bị, không được các cơ quan Nhà nước cẩm tay chỉ việc. Cũng cần nhìn nhận lại vai trò và sự chủ động của doanh nghiệp trong câu chuyện này”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ. 

Trước bối cảnh trên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, để tuyên truyền về hội nhập, Bộ Công Thương đã cập nhật hoàn chỉnh bổ sung thông tin. Theo chương trình, Bộ Công Thương xác định doanh nghiệp là một trong những đối tượng quan trọng trong tuyên truyền thông tin, truyền thông. 

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng phân định thực hiện cùng các bộ, ngành thống nhất về kế hoạch chương trình thông tin truyền thông lớn về đạo tạo, cung cấp cho báo chí thông qua hội thảo, hội nghị… được tổ chức thường xuyên liên tục trên toàn quốc ở khu vực khác nhau.

Nguồn VnMedia