Nhiều sàn giao dịch hàng hóa đóng cửa hoặc tạm ngừng giao dịch
Ban đầu, Trung tâm giao dịch này cũng thu hút được khá nhiều người tham gia vì giá sàn, sản lượng, kích cỡ tôm đều được thỏa thuận công khai. Trong đó, lượng tôm được giao dịch tại đây chiếm đến 80% sản lượng nuôi tại Cần Giờ. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, Cangio ATC vắng dần người giao dịch bởi nông dân vẫn thích bán cho thương lái hơn là bán trực tiếp cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng muốn mua sỉ qua thương lái hơn mua lẻ qua nông dân vì họ vốn không đủ người, phương tiện để thực hiện giao dịch. Do vậy, Trung tâm đã ngừng hoạt động.
Trước đó, tháng 3/2010, CTCP Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) cũng đã thành lập sàn giao dịch đường với hai mặt hàng là đường thô và đường tinh. Sacom-STE đã đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng gồm có phần mềm giao dịch, bảng điện tử, hệ thống lưu ký và đặc biệt, sàn còn có Tập đoàn tài chính Sacombank đứng sau hỗ trợ cho giao dịch thanh toán.
Tuy nhiên, qua 8 tháng hoạt động, mỗi phiên chỉ giao dịch trên dưới 10 tấn đường. Trong khi, để có thể tiến hành giao dịch, sàn cần 50 tấn đường. Thời gian sau đó, giá đường trong nước lẫn thế giới tăng cao, các nhà máy và DN bắt đầu tạm trữ đường tại kho chờ giá lên, do vậy Sacom-STE cũng gần như ngưng hoạt động vì không còn người bán để giao dịch.
Theo TS. Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sự thất bại của các sàn giao dịch hàng hóa chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép là do thiếu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, thiếu cơ chế chính sách và chiến lược phát triển hiệu quả... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhận định này có vẻ như chưa thuyết phục cho lắm. Tháng 9/2010, sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép thành lập, nhưng trong quý I và II/2011, tổng khối lượng giao dịch các mặt hàng cà phê tại sàn này rất thấp.
Vào quý III/2011, VNX cũng đã niêm yết chính thức các hợp đồng tương lai đối với 4 mặt hàng là: cà phê (Robusta và Arabica), cao su RSS3 và thép cuộn cán nóng. Khách hàng đã từng bước làm quen với hoạt động mua bán qua VNX và sàn này cũng đã thu hút một lượng lớn khách hàng tham gia. Tuy nhiên năm 2012, hoạt động giao dịch tại VNX bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng do kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tháng 8/2012, VNX gặp sự cố về hệ thống công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Hiện VNX đang tạm dừng hoạt động và dự kiến hoạt động trở lại vào tháng 9/2013.
TS. Lê Việt Nga cho rằng, sự ra đời của thị trường hàng hóa tương lai thời gian qua đã phần nào giúp cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại hàng hóa Việt Nam. Không những thế, doanh nghiệp và NĐT có được công cụ tài chính, bảo hiểm nhằm giảm thiểu được các rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa như rớt giá của cà phê, cao su, biến động của giá thép, xăng dầu, bông sợi... Song, do nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ tham gia sàn với mục đích đầu cơ tài chính, giao dịch hàng hóa thật còn rất hạn chế.
Vì chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia nên tính thanh khoản trên thị trường còn thấp, nhiều hợp đồng được mở ra không thể giao dịch được vì không có lệnh đối ứng. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tất cả các nguyên nhân trên đã góp phần khiến nhiều VNX trở nên "yểu mệnh".
Nguồn Thời báo ngân hàng