"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ xấu của Việt Nam"
Chia sẻ tại buổi hội thảo về xử lý nợ xấu diễn ra sáng nay (8/8), chuyên gia kinh tế John Sheehan thuộc Capital Service Group cho rằng, với 500 tỷ đồng vốn điều lệ, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ không đủ để giải quyết hết các vấn đề nợ xấu hiện tại do đó cần thu hút nguồn vốn từ nước ngoài.
Ông cũng cho biết thêm rằng, hiện có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua các khoản nợ xấu của Việt Nam.
"Ai cũng nhìn thấy Việt Nam là đích đến hấp dẫn, ai cũng muốn đầu tư vào. Trong đó, những nhà đầu tư quan tâm nợ xấu bất động sản chủ yếu đến từ Mỹ, các nhà đầu tư quan tâm tới các khoản nợ nhỏ lẻ thì đến từ Nhật Bản hoặc châu Âu. Tôi đã có sẵn danh sách nhà đầu tư nước ngoài với hàng tỷ USD đang mong chờ vào Việt Nam nhưng họ không thể tìm được cách nào để đổ vào", ông cho biết.
Theo ông John Sheehan, Việt Nam dù đang rất cần nguồn vốn lớn để đổ vào xử lý nợ xấu nhưng lại thiếu các cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn nước ngoài chảy vào.
"Hệ thống về luật pháp, trong đó có việc thu hồi tài sản, cũng là vấn đề. Khi một nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào, họ có thể sở hữu được một công ty nước ngoài chuyên biệt để có thể xử lý nợ xấu hay không? Càng dễ cho nợ xấu được xử lý thì cạnh tranh giữa các nhà đầu tư càng lớn. Một nguyên tắc đơn giản, khi cạnh tranh càng lớn thì giá nợ xấu càng tăng", ông đặt vấn đề.
Đồng quan điểm với ông John Sheehan, luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty luật BASICO cũng cho rằng dù rất cần thu hút vốn từ nước ngoài nhưng các chính sách của Việt Nam gần như đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như về sở hữu Chính phủ, đất đai, mua cổ phần, cổ phiếu.
Đã đến lúc cần phải có những thay đổi
Theo ông John Sheehan, nếu VAMC có ý định bán các khoản nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài thì việc cải thiện nền móng về cơ sở hạ tầng, tài chính, định chế cho nợ xấu càng tốt sẽ giúp giá trị thu hồi được từ nợ xấu càng cao.
"Tạo ra nền móng cơ sở hạ tầng mới cho việc xử lý nợ xấu sẽ thu hút làn sóng đầu tư từ nước ngoài, sẽ đưa một lượng tiền vào hệ thống ngân hàng Việt Nam và giúp nền kinh tế phát triển", ông nói.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam càng lâu đưa vào các cơ sở hạ tầng cho giải quyết nợ xấu thì vấn đề càng to hơn, chi phí giải quyết càng đắt đỏ hơn, các khoản nợ xấu sẽ bắt đầu mất giá dần và trở nên khó để thu hồi lại hơn.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thể học hỏi mô hình từ các nước trong việc để cho một số ngân hàng quá yếu kém phải phá sản để dễ dàng xử lý nợ xấu. Theo ông này, việc đó sẽ khiến thế giới nhìn ra rằng Việt Nam đang làm được việc và đây cũng là điều mong muốn của thị trường, của các nhà đầu tư, các cơ quan đánh giá tín nhiệm.
Bổ sung thêm về ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức nói thêm, thời điểm này cho phá sản là bình thường bởi chính việc không cho phá sản mới làm mất niềm tin của thị trường. Ông cho rằng, việc giải cứu ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mua lại và sáp nhập vào nhau mà không cho phá sản sẽ làm giảm tính cạnh tranh và trách nhiệm của các chủ ngân hàng, khiến quá trình xử lý nợ xấu khó khăn hơn.
Nguồn Dân Việt