Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhưng vẫn lỗ
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhận định lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng có lẽ cũng không cao như kỳ vọng mặc dù tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu tiên của năm. Thậm chí, có ngân hàng đang đau đầu với bài toán lợi nhuận khi tín dụng tăng cao nhưng không có lãi, thậm chí có ngân hàng còn bị lỗ do chi phí hoạt động cao.
Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ trong TP.HCM cho biết 6 tháng đầu năm của ngân hàng ông không được tốt lắm dù tăng trưởng huy động và tín dụng lớn hơn nhiều so với quy định của NHNN. Theo ông, có lẽ là do tín dụng vẫn chưa tăng đúng với mức độ của ngân hàng để có lãi.
Lợi nhuận không sáng như kỳ vọng
Theo vị lãnh đạo này, sở dĩ tín dụng tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn không cải thiện là vì biên độ lợi nhuận hiện rất thấp. Biên độ lợi nhuận là tổng thu nhập từ cho vay trừ đi chi phí vốn (tức là lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động ra biên độ lợi nhuận, không tính thêm chi phí nào khác). Mức chênh lệch này phải đạt tối thiểu là 3% thì ngân hàng mới có lãi, còn thấp hơn mức này thì phải là những ngân hàng có quy mô lớn mới có lãi.
“Có nghĩa, tùy vào biên độ lợi nhuận của từng ngân hàng để có mức lợi nhuận tốt hay không. Nếu biên độ lợi nhuận càng lớn thì ngân hàng càng có lợi, kể cả ngân hàng có quy mô nhỏ. Hiện, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của các ngân hàng đang rất thấp, chỉ khoảng 2,5 - 2,6%, thậm chí có ngân hàng chỉ 2%, không đủ chi phí cho hoạt động”, vị này giải thích thêm.
Về vấn đề này, TS, Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng hiện chi phí hoạt động của các ngân hàng đang tăng lên nhưng lãi suất cho vay đang bị khống chế, khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng rất khó khăn.
“Hiện lợi nhuận ròng của các ngân hàng đang thấp nhất từ trước tới nay do chi phí hoạt động tăng lên. Do vậy, nhiều ngân hàng mặc dù tín dụng 6 tháng đầu năm tăng mạnh nhưng lợi nhuận vẫn không khả quan, thậm chí còn có ngân hàng bị lỗ do chi phí hoạt động lớn hơn lợi nhuận ròng”, ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu giải thích chi phí hoạt động của ngân hàng bao gồm chi phí vốn, chi phí hoạt động, khấu hao, nhân sự, dự trữ bắt buộc, dự phòng nợ xấu… Trong khi đó, lợi nhuận ròng là mức chênh lệch có được từ biên độ lợi nhuận ròng trừ đi chi phí hoạt động.
“Sở dĩ chi phí hoạt động của ngân hàng đang tăng lên là vì ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác là thị trường bất động sản đang ấm lên, thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang bị NHNN kiểm soát, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn”, ông Hiếu phân tích.
TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng chênh lệch lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng hiện nay đang ở mức thấp. “Vì lãi suất cho vay đang ở mức thấp còn lãi suất huy động lại đang có xu hướng tăng do phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, nếu lãi suất cho vay có tăng cũng không được nhiều do lạm phát đang ở mức thấp”, ông Phước bình luận.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cũng tỏ ra lo lắng với việc tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm không đạt hiệu quả cao trong sử dụng vốn và tạo rủi ro thanh khoản do hệ số cho vay trung và dài hạn tăng từ 36% lên 40%.
Nợ xấu vẫn ám quẻ lợi nhuận
Một lý do nữa cũng tác động tới chi phí hoạt động, đó là chi phí trích lập dự phòng rủi ro. “Lý do làm cho nhiều ngân hàng bị đội chi phí hoạt động lên là do dự phòng nợ xấu ngày càng tăng (nợ xấu mới và nợ xấu cũ)”, ông Hiếu nhận định.
Ông Phước cũng cho rằng lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc vào tốc độ xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro của từng ngân hàng.
“Hệ thống ngân hàng trải qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, của những bất ổn nội tại và hiện đang xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro. Để giải quyết nợ xấu, các ngân hàng phải tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận của ngân hàng thấp là đương nhiên”, ông Phước bình luận.
Ông Thành thừa nhận chất lượng tín dụng của Vietcombank đang ở mức đáng lo ngại. “Nợ xấu trích lập dự phòng rủi ro gia tăng lớn và lớn nhất từ trước tới nay. Kết quả thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng rất thấp so với kế hoạch được giao”, ông Thành thừa nhận.
Mặc dù 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế trước khi trích lập dự phòng của Vietcombank đạt 6035 tỷ đồng, nhưng sau khi trích lập 2.995 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 1 nửa, còn 3.040 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí nhân sự của ngân hàng đang bị đội lên cao cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng. Chi phí nhân sự của ngân hàng Việt Nam rất cao do có mạng lưới lớn nhưng chưa hoạt động hiệu quả bằng các công nghệ nên cần nhiều nhân sự.
“Ví như việc ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc khách hàng, dịch vụ… của các ngân hàng còn yếu, tính hiệu quả của nhân sự trong hoạt động ngân hàng cũng rất thấp nên đẩy chi phí hoạt động ngân hàng tăng lên”, ông Hiếu phân tích.
Một nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa khả quan là vì nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng còn rất thấp.
“Hiện chỉ có vài ngân hàng có nguồn thu từ dịch vụ khoảng 30 – 40%, số còn lại chỉ trên dưới khoảng 10%, thậm chí có vài ngân hàng chỉ có 1 – 2%, hoặc không thu được đồng nào từ dịch vụ”, ông Hiếu bình luận.
Nguồn Diễn đàn đầu tư