Thứ Năm | 07/06/2012 10:52

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn trong 2012

Trong kế hoạch năm tài chính 2012, VietABank, OceanBank, SaigonBank và DongABank đều có kế hoạch tăng vốn nhằm củng cố nội lực.
Xu hướng M&A ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo còn sôi động trong thời gian tới. Cách duy nhất để tồn tại đối với các ngân hàng có năng lực tài chính và sức cạnh tranh còn yếu kém chính là từng bước củng cố nội lực bằng cách tăng vốn điều lệ.

Ngày 29/5, đại hội đồng cổ đông VietABank đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với năm trước. Song động thái thoái vốn của cổ đông lớn SJC khỏi VietABank cũng khiến cổ đông Ngân hàng không khỏi thắc mắc và lo lắng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch hội đồng quản trị VietABank, ông Phương Hữu Việt cho biết, Ngân hàng đã nhận được công văn SJC sẽ thoái vốn tại VietABank, nhưng đến nay, điều này chưa được thực hiện.

Để củng cố nội lực, NamA Bank sẽ tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng.

Vốn điều lệ SaigonBank cũng sẽ được nâng lên 3.500 tỷ đồng trong năm 2012, từ mức gần 3.000 tỷ đồng hiện nay.

Tương tự, OceanBank cũng lên kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012, thay vì mức 3.234 tỷ đồng hiện tại.

Ngoài 4 ngân hàng kể trên, DongABank vừa hoàn tất kế hoạch tăng vốn từ 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và sắp tới còn phát hành thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu để tăng lên 6.000 tỷ đồng trong quý IV/2012.

Với diễn biến của thị trường còn nhiều khó khăn, giá cổ phiếu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng khó có thể cải thiện, thì việc phát hành thêm cổ phiếu của các ngân hàng được nhận định là khó có thể thu hút được cổ đông hiện hữu, dù họ đã đưa ra nhiều ưu đãi và giá bán chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tăng vốn là một giải pháp để giúp ngân hàng nhỏ tăng thêm năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa thì tăng được vốn điều lệ trong lúc này không phải là điều dễ dàng đối với ngân hàng nhỏ khi xu hướng M&A gia tăng; với ngân hàng nhỏ yếu kém, M&A chính là lối đi tốt nhất.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện