Ảnh: Quý Hòa.
Nhiều ngân hàng lãi bằng lần nhờ đầu tư chứng khoán
Quý I/2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng cũng chậm lại so với những giai đoạn trước.
Khi thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có sự sụt giảm thì lại nổi bật lên là hoạt động đầu tư chứng khoán. Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, nhiều ngân hàng có khoản lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh donah và đầu tư tăng đột biến.
Phải kể đến đầu tiên là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) với khoản lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán gấp 36 lần trong quý I/2020.
Cụ thể, quý I/2020, VIB ghi nhận hơn 51 tỉ đồng lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư,trong khi đó cùng kỳ 2019, con số này chỉ vỏn vẹn hơn 1,4 tỉ đồng.
Cuối quý I/2020, VIB đang sở hữu danh mục đầu tư tro giá hơn 44.087 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, bao gồm Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, Chứng khoán nợ Chính phủ, Chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng phát hành và Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành. Những khoản đầu tư này được trích lập dự phòng hơn 73,5 tỉ đồng hồi 31.3.2020.
(Bao gồm chứng khoán kinh doanh và đầu tư). Nguồn: NCĐT tổng hợp. |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) cũng không kém cạnh với khoản lãi hàng trăm tỉ từ hoạt động đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, quý I/2020, hoạt động mua bán chứng khoán của Vietbank đã mang về khoản lãi gần 159 tỉ đồng. Con số này gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Cuối quý I/2020, Vietbank sở hữu hơn 12.419 tỉ đồng chứng khoán đầu tư, bao gồm chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán (trong đó có Chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương, Chứng khoán do các Tổ chức tín dụng và Tổ chức kinh tế trong nước phát hành); Chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn và Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Thu về hơn 739 tỉ đồng lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) cũng là cái tên không thể bỏ qua.
Cuối quý I/2020, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đem về hơn 739 tỉ đồng cho ngân hàng này, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 330% so với quý I/2019. Tại thời điểm 31.3.2020, VPBank sở hữu hơn 1.122 tỉ đồng khoản đầu tư vào Chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương. Cũng như các ngân hàng khác, khoản dự phòng cho những khoản đầu tư này ở mức khá thấp.
Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) cũng gây được sự chú ý với mức tăng hơn 715% (khoảng 8 lần) về khoản lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán.
Kết thúc quý I/2020, ACB ghi nhận hơn 363,4 tỉ đồng lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước, khoản thu nhập này chỉ đạt hơn 44,5 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối quý I/2020, danh mục chứng khoán đầu tư của ACB có giá trị hơn 54.187 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Có thể thấy, trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, phần lớn là chứng khoán nợ bao gồm tín phiếu, trái phiếu,... Trên thị trường tài chính, loại hình này được xem là có tính an toàn và rủi ro thấp nhất, đặc biệt là khi những sản phẩm này lại được phát hành bởi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Lợi suất Trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp. Nguồn: BVSC. |
Trái phiếu của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng hoặc kinh tế cũng là sản phẩm được các Ngân hàng lựa chọn. Với hình thức đầu tư này, các ngân hàng sẽ được hưởng một mức lãi suất đã thỏa thuận trước (lãi định kỳ) và tất toán vào ngày đáo hạn khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn, tức là trước thời điểm đáo hạn trên giấy tờ có giá.
Bên cạnh trái phiếu thì tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành cũng gần như là phi rủi ro, đây cũng là khoản mục đầu tư được các ngân hàng TMCP đưa vào danh mục đầu tư chứng khoán của mình.
Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lợi suất của Trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp trong tuần qua (13-17.4) giảm tại kỳ hạn 5 năm và 7 năm với mức giảm lần lượt đạt 0,12% và 0,06%. Ngược lại, Trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm có lợi suất tăng lần lượt 0,03%; 0,05% và 0,02%.
* Có thể bạn quan tâm
►Kiều hối toàn cầu giảm kỷ lục
►Đầu tư chứng khoán: Tự doanh cắt lỗ, ngân hàng chốt lời khủng