Nhiều ngân hàng đã thu phí nộp tiền mặt
Tại các ngân hàng quốc doanh như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank) - những đơn vị có thị phần khách hàng mở tài khoản thanh toán lớn trong hệ thống - cũng đã thu phí nộp tiền vào tài khoản nếu khác tỉnh, thành. Như vậy, thông thường, khách hàng sẽ phải trả từ 10.000 đồng đến một triệu đồng (tùy giá trị nộp) cho một lần giao dịch.
Ngoài nộp tiền vào tài khoản của chính mình, phần lớn các giao dịch tiền mặt tại quầy hiện nay là chuyển tiền cho người thân (có thể cùng hoặc khác ngân hàng). Đến nay, nhiều nhà băng vẫn chưa thu phí nếu chuyển trong cùng hệ thống, cùng tỉnh thành. Tuy nhiên, rất có thể, từ nay mọi giao dịch trên sẽ đều mất phí nếu đề xuất của Ngân hàng Nhà nước được thông qua.
Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước - cơ quan soạn thảo Dự thảo Thông tư - cho biết các nhà băng đã thu phí giao dịch tiền mặt từ lâu, nhưng mỗi nơi mỗi kiểu. Vị này cho biết, dự thảo này không đưa ra mức phí sàn nhưng quy định mức trần (0,05%) và ngân hàng có thể áp phí với mọi giao dịch nộp tiền (dù cùng tỉnh, thành hay không). "Tuy nhiên, đây mới là dự thảo đang xin ý kiến và có thể điều chỉnh. Hơn nữa, giống như việc thu phí ATM nội mạng, tùy chính sách và chi phí hoạt động của mình mà mỗi ngân hàng có thể thu phí hay không", ông nói.
Đến nay, do dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nên lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, chưa thể công bố có thu phí hay không nếu được "bật đèn xanh". Trên thực tế, nhiều nhà băng nhỏ vì muốn cạnh tranh, thu hút khách hàng, vẫn chưa thu phí nộp tiền mặt khác tỉnh. "Chỉ những khoản tiền nộp trên 100 triệu đồng chúng tôi mới thu phí", lãnh đạo một ngân hàng nhỏ quy mô vốn hơn 4.000 tỷ đồng cho hay.
Việc thu phí nộp tiền mặt, theo giải thích của cơ quan soạn thảo, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại việc bị đánh phí khi nộp tiền mặt vào chính tài khoản của mình, có thể khiến người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý, ngân hàng không cần thu phí đầu vào (khi nộp tiền mặt) mà chỉ cần thu phí đầu ra (rút tiền). "Đồng ý nếu nộp tiền vào để chuyển tiền cho một người khác thì phải mất phí dịch vụ nhưng việc đánh phí khi nộp tiền cho chính mình lại không nên, có thể làm giảm động lực của người gửi tiền", ông Thành nói.
Không đưa ra bình luận về đề xuất này nhưng ông Dương Đức Hùng - Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ Ngân hàng ANZ cho hay, theo quan sát của ông, một số nước trong khu vực như Singapore, Đài Loan hay Indonesia vẫn không áp dụng thu phí nộp tiền vào tài khoản (đồng nội tệ).
Thừa nhận mục đích giảm thanh toán tiền mặt là cần thiết nhưng vị chuyên gia là lãnh đạo một cơ quan tài chính cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chưa nên đề cập tới vấn đề trên lúc này. Lý do theo ông là hiện trình độ, tập quán của người dân Việt Nam vẫn khó chấp nhận được việc này.
Trong khi đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí nộp tiền rất có ý nghĩa với những giao dịch hàng ngày số lượng lớn. Đại diện phòng giao dịch một ngân hàng trên phố Xã Đàn cho biết, mỗi ngày phòng giao dịch nhỏ của họ nhận hàng tỷ đồng tiền mặt các cửa hàng vàng, buôn bán sim thẻ nộp vào tài khoản. "Chủ yếu họ gửi tiền qua đêm là rút ngay nên chi phí kiểm đếm cho những giao dịch này rất lớn, ngân hàng cũng không được hưởng lợi nhiều với số dư trên tài khoản", vị này nói. Theo quy định, nếu rút tiền mặt tại quầy ngay sau khi nộp 2 ngày làm việc, chủ tài khoản sẽ mất phí. Tuy nhiên, các nhóm khách hàng này vẫn thường lách luật bằng cách làm ủy nhiệm chi cho nhiều người thân, nhiều tài khoản khác để rút tiền mà không phải chịu phí.
Chuyên gia Nguyễn Đức Thành cũng nói thêm, trước mắt các ngân hàng có thể chỉ thu phí nếu nộp số tiền quá lớn với mức giới hạn quy định nào đó thay vì thu đại trà. Giải pháp này theo ông sẽ tránh ảnh hưởng tới những chủ thẻ thu nhập thấp trong xã hội.
Nguồn VnExpress