Thứ Sáu | 18/01/2013 10:26

Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận năm 2012

Ngân hàng ACB ước lợi nhuận 2012 chỉ hoàn thành 22% kế hoạch, trong khi lợi nhuận của Eximbank giảm tới 30%.

Theo khảo sát của TBKTSG Online, một số ngân hàng đã cơ bản chốt số liệu kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ năm 2012.

Lợi nhuận của các ngân hàng dự kiến sẽ phân hóa theo các nhóm: khoảng 1/4 các ngân hàng đạt lợi nhuận tương đối cao, 50-80% chỉ tiêu đề ra; nhóm thứ hai đạt khoảng 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận và nhóm cuối cùng gần như không có lời hoặc lỗ.

Các ngân hàng đang tính toán và cân nhắc kết quả kinh doanh năm 2012 sẽ phải công bố. Một số tổ chức tín dụng đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước và một số đang được cơ quan này yêu cầu điều chỉnh lại con số trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đồng nghĩa với việc kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ điều chỉnh theo.

Ngân hàng TMCP Quân đội ( MBB) tính đến thời điểm này đã vượt qua nhiều ngân hàng cổ phần nhóm đầu về hiệu quả hoạt động với lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống tại 31/12/2012 đạt 3.024 tỷ đồng, đạt 94% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2012. Trong đó, các chi nhánh nước ngoài đạt 16 tỷ đồng (Chi nhánh tại Lào đạt 15,45 tỷ đồng và Campuchia đạt 0,12 tỷ đồng).

Phó tổng giám đốc MBB, bà Cao Thúy Nga, cho biết, huy động vốn thời điểm 31/12/2012 toàn hệ thống đạt 117.858 tỷ đồng, tăng 28.277 tỷ so với đầu năm (tăng 32%), hoàn thành 106% so với kế hoạch năm 2012. Dư nợ cho vay lũy kế cả năm 2012 đạt 74.564 tỷ đồng, tăng 16.037 tỷ đồng so với cuối năm 2011 (tăng 27%).

Tổng tài sản của MBB đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 120% so 2011. Tỷ lệ nợ xấu tại 31/12 là 1,84%. Quỹ dự phòng trích lập cho rủi ro tín dụng khoảng 1.300 tỷ đồng.

Bà Nga cho biết thêm, tại thời điểm 31/12/2012, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của MBB được duy trì lần lượt ở mức 6% và 1,9% (thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của toàn ngành).

Trong số các ngân hàng gốc quốc doanh, lợi nhuận trước thuế của hai ngân hàng lớn có vốn nhà nước chi phối là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MVCB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, CTG) nhỉnh hơn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Vietcombank đạt 5.706 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất và Vietinbank đạt 8.213 tỷ đồng (số liệu dự toán tính đến 31/12/2012).

Với con số này, Vietcombank và VietinBank chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được Đại hội cổ đông thông qua, lần lượt là 6.550 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng.

“Năm qua Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro rất lớn, gần 3.100 tỷ đồng. Vì việc xử lý dự phòng tương đối lớn nên sức mạnh tài chính trong bảng cân đối đã tốt hơn”, bà Lê Thị Hoa - Ủy viên HĐQT Vietcombank nói.

Về phía Vietinbank, đại diện ngân hàng cũng cho biết, theo kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2012, tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng khoảng 7%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là 13-15%. Nợ xấu dưới 1,5%/tổng dư nợ. Lợi nhuận tăng trưởng 0,7%. “Chúng tôi đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2013 như sau: Tổng tài sản tăng 15%. Tổng nguồn vốn tăng 15%. Cho vay nền kinh tế tăng 20% và nợ xấu dưới 2%”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng cho hay, tổng nguồn vốn đến 31/12/2012 đạt 540.378 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 480.453 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 66,6% tổng dư nợ.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) Trương Văn Phước nói rằng con số tổng kết tính đến sáng 15/1 của ngân hàng là 2.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 30% so với lợi nhuận năm 2011 (4.056 tỷ đồng). Tăng trưởng tín dụng của Eximbank 0,3%, nợ xấu 1,34%.

Trong khi đó, lãnh đạo ACB nói rằng kết quả kinh doanh của họ gần như không thay đổi so với kết quả trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 12 vừa qua. Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết lợi nhuận năm 2012 của ngân hàng đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, chỉ bằng 22% kế hoạch năm.

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) dự tính lợi nhuận tăng trưởng khoảng 60%. Đại diện ngân hàng này cho biết, tín dụng của ngân hàng tăng trưởng khoảng 20%, tương đương 15.600 tỷ đồng, trong đó tín dụng tiền đồng tăng 29%. Huy động của Sacombank năm 2012 tăng 19,6%.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) Hàn Ngọc Vũ cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng khoảng 700 tỷ đồng, đã trích lập 800 tỷ đồng trong năm 2012 và không tăng trưởng tín dụng.

Tổng giám đốc Ngân hàng TPCM Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng dự tính lợi nhuận của họ 304 tỷ đồng, bằng năm trước, tín dụng tăng trưởng 15% và ngân hàng đã trích lập dự phòng 252 tỷ đồng.

Một đại diện Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dự tính lợi nhuận của ngân hàng khoảng 450 tỷ đồng, thấp hơn 2011 khoảng 15%. Ông cho biết số trích lập dự phòng rủi ro trong tháng 12/2012 là 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng tăng trưởng tín dụng khoảng 10%.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Nguyễn Đức Vinh trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên tuần rồi cho hay ông chưa gút xong con số lợi nhuận, song tính đến hết tháng 12/2012 dự kiến tổng tài sản đạt trên 98.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011. Huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt trên 60.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng 16%.

Theo lời một lãnh đạo ngân hàng có trụ sở tại TPHCM, lợi nhuận các ngân hàng năm nay giảm mạnh là do trích lập dự phòng rủi ro. Hầu hết các ngân hàng năm qua đều trải qua đợt thanh tra của Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, với ba nội dung: thanh tra về chủ sở hữu các ngân hàng, cho vay nhóm (cho vay chéo, ủy thác…) và tính tuân thủ. Nhiều ngân hàng đã phải di chuyển các nhóm nợ, bóc tách nhiều khoản và hầu như ngân hàng nào cũng bị phạt hành chính vì các vi phạm.

Theo một nguồn tin có thẩm quyền khác, theo chương trình làm việc của Thanh tra Chính phủ, năm 2013 cơ quan này sẽ thanh tra 4 ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh. Hiện hai ngân hàng quốc doanh lớn đang trong đợt thanh tra này.

(Theo TBKTSG)