Nhiều ngân hàng có khả năng phải rút vốn?
Một nội dung quan trọng dự kiến thay đổi là chuyển nhóm tài sản có hệ số rủi ro từ 250% xuống nhóm 150%. Đây là những tài sản thuộc hoạt động cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Nếu như vậy sẽ giảm tải áp lực hệ số an toàn vốn (CAR), tạo điều kiện nhất định để các ngân hàng có thể mở rộng cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chật vật từ đầu năm.
Điểm sửa đổi quan trọng thứ hai là tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR). Bản thân việc tái áp tỷ lệ này đã là một tác động lớn đối với việc sử dụng vốn của các ngân hàng; thêm nữa, dự thảo còn đưa ra một số thay đổi về việc xác định các cấu phần để tính LDR.
Trước đó, với Thông tư 13, việc áp tỷ lệ LDR đã được xác định là 80% và 85% (đối với ngân hàng thương mại và công ty tài chính). Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã gỡ bỏ.
Hiện dự thảo trên đang được đưa ra lấy ý kiến các thành viên trong hệ thống, và nếu ban hành thì có thể tạo sức ép với yêu cầu phải rút vốn để đảm bảo các giới hạn quy định.
Với việc áp trở lại quy định về tỷ lệ LDR 80% và 85%, những trường hợp đã cho vay quá tay buộc phải mở rộng mẫu số so sánh (tổng tiền gửi) hoặc phải rút bớt dư nợ về; đáng chú ý là theo dự thảo, dư nợ sẽ bao gồm cả các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư. Đây là một áp lực đáng kể khi dữ liệu của một cơ quan chuyên trách công bố mới đây cho hay tỷ lệ LDR của hệ thống thời gian gần đây đã vượt trên 100%.
Thứ hai, nếu chỉ tính dư nợ cho vay và tiền gửi trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức), áp lực đảm bảo LDR càng lớn. Bởi lâu nay tiền gửi huy động trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) là một cấu phần đáng kể của nhiều ngân hàng thương mại.
VnEconomy cũng đã trao đổi với một lãnh đạo chuyên trách, trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo. Thông tin nhận được là một hướng mở: trước hết, vốn huy động trên thị trường 2 được xác định là tiền gửi; dự thảo thông tư đưa ra các quy định dự kiến, các phương án để trước mắt lấy ý kiến của các thành viên, tôn trọng thực tế hoạt động của các ngân hàng, cũng như tiếp thu các tiêu chuẩn hợp lý trên thế giới, sau đó sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định.
Liên quan đến nguồn vốn huy động trên liên ngân hàng, ở một vấn đề khác, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cũng từng khẳng định rằng đó là tiền gửi và chưa bao giờ là cho vay. Khẳng định này được ông nhấn mạnh khi phản ứng về việc các ngân hàng lớn đưa ra yêu cầu phải có tài sản thế chấp khi giao dịch trên thị trường này, phát sinh từ hồi tháng 10 năm ngoái…
Hiệu lực của thông tư đang dự thảo đưa ra thời điểm dự kiến có hiệu lực là từ ngày 1/6/2012; và trong vòng 45 ngày kể từ khi ký ban hành, trường hợp không đảm bảo được các tỷ lệ yêu cầu sẽ không được tiếp tục cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần… và phải có phương án xử lý để đảm bảo yêu cầu.
Đặt trong trường hợp những ngân hàng phải rút vốn về đảm bảo tỷ lệ LDR nói trên, áp lực có lẽ cũng không hẳn quá lớn, khi chính sách tín dụng nhìn chung trong vài năm trở lại đây chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn, có thể sớm hồi vốn; tỷ lệ LDR quy định như trên cũng không quá thấp, thậm chí có thể được nâng lên 95% và 100%.
Mặt khác, theo xác định trong dự thảo thông tư, tiền gửi của cá nhân và tổ chức là được chấp nhận toàn bộ tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn, nới hơn so với trước đây là lượng tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức chỉ được tính vào là 25%.
Ngoài ra, như đề cập ở trên, việc chuyển các tài sản có hệ số rủi ro 250% xuống nhóm 150% cũng là một sự nới lỏng nhất định có lợi cho việc sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng.
Nguồn Vneconomy