Thứ Sáu | 30/08/2013 20:17

Nhiều khả năng GDP năm 2013 chỉ tăng 5,3%

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tăng trưởng khó đạt kế hoạch trong năm 2013.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế tháng 8/2013, theo đó dự báo rằng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%.

Dự báo này được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế tính đến tháng 8/2013 và các dữ liệu hiện nay cho thấy “việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn và nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%”.

Về lạm phát, cơ quan này cho rằng nếu không có những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2013 sẽ vào khoảng 5%.

Do đó, để đạt mục tiêu CPI cả năm không vượt quá mức 7%, công tác điều hành giá cả trong những tháng cuối năm sẽ có tính quyết định. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự điều phối thống nhất, có bước đi và lộ trình thích hợp.

Về cán cân thanh toán tổng thể, dự báo trong năm 2013 sẽ thặng dư 1,5-2 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thặng dư cán cân thanh toán giảm nhiều so với 2012 khi mức thặng dư 5 tháng đầu năm là 1,5 tỷ USD, giảm 79% so với cùng kỳ; cán cân vốn thặng dư 2,56 tỷ USD, giảm 37% so cùng kỳ năm 2012.

Báo cáo cũng đưa ra những dự báo về tăng trưởng kinh tế 2014-2015, theo đó trên cơ sở giả định tăng trưởng 5,3% và lạm phát không quá 7% trong năm 2013, NFSC dự báo CPI năm 2014 sẽ ở mức 7%, tăng trưởng GDP 5,6-5,8% trong khi năm 2015 các con số tương ứng sẽ là 6,5% và 6-6,2%.

Để đạt được mục tiêu này, cơ quan này cho rằng trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất kích thích kinh tế.

Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm (không nên thấp dưới 30%GDP) để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế; do đó việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2-3 năm tới để tạo bước chuyển biến mới.

Bên cạnh đó, trong vài năm tới, xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng do đó việc thu hút vốn FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu.

Tuy nhiên, về mặt dài hạn cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực doanh nghiệp trong nước.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện