Thứ Tư | 11/06/2014 16:13

Nhiều giải pháp cho nguyên phụ liệu xuất khẩu

Để chuyển đổi nguồn nguyên phụ liệu trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp rất cần Nhà nước hỗ trợ.
Các DN ngành nhựa cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cải tiến nhằm tránh phụ thuộc vào máy móc, vật tư, nguyên liệu của Trung Quốc.
Các DN ngành nhựa cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cải tiến nhằm tránh phụ thuộc vào máy móc, vật tư, nguyên liệu của Trung Quốc.

Vừa qua (ngày 9/6), Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã làm việc với 16 hiệp hội doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM về giải pháp chuyển đổi nguồn nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường.

Khó cũng là cơ hội

Ông Huỳnh Văn Hạnh (Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM) cho biết nếu các DN Trung Quốc rút lui thì DN Việt Nam lại có đất làm vì khách hàng sẽ tìm đến DN Việt Nam. Do đó các nhà máy sản xuất phụ liệu cần nâng cao năng suất để thay thế hàng nhập. Trước mắt là các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, phối hợp với nhau. Nếu không nắm bắt thời cơ này thì Indonesia, Malaysia sẽ nắm lấy cơ hội và ta mất.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP, cho biết: “Ngành nhựa rất bi quan vì phụ thuộc 90% vào máy móc Trung Quốc, vật tư, nguyên liệu của DN Trung Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành nhựa thay đổi. Hơn 20 năm qua ta xài máy móc Trung Quốc, vừa tầm đầu tư, dễ mua nhưng công nghệ cũ, tốn điện. Nay DN nên thay đổi. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần nhảy vào cuộc về chính sách, nếu DN mua máy châu Âu thì cho lãi suất tốt, một máy Nhật bằng sáu máy Trung Quốc nhưng lãi suất giảm thì DN có thể mua. Cụ thể, nếu DN mua máy Đức thì lãi suất gần như bằng 0% đi. Như Malaysia vậy, họ có chính sách không mua máy Trung Quốc, cứ vay ngân hàng để mua máy từ Trung Quốc là phải chịu lãi suất cao”.

Không chỉ thay đổi về máy móc thiết bị mà ngành công nghiệp phụ trợ cũng có cơ hội thay đổi. “Lâu nay những chế bản đơn giản, những ống đồng nhỏ ta cũng qua Trung Quốc đặt hàng. Nay thì DN phụ trợ trong nước có cơ hội. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các DN phụ trợ, ưu đãi lãi suất cho họ” - ông Anh đề xuất.

Cần Nhà nước hỗ trợ

Bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP, khẳng định các DN ngành lương thực thực phẩm hiện có 3-4 thị trường chứ không chỉ duy nhất thị trường Trung Quốc. “Xưa nay chúng tôi tự bơi, tự lo được. Chúng tôi tìm được thị trường Nhật. Họ cần gạo đạt chuẩn của họ, chúng tôi tìm đất rồi trồng thử nghiệm, nay gạo của chúng tôi đã đạt chuẩn xuất đi Nhật. Thế nhưng nếu tắc thị trường Trung Quốc thì cần Nhà nước hỗ trợ khâu dự trữ nông sản. Chưa bao giờ chúng tôi cần Nhà nước hỗ trợ như bây giờ! Lâu nay chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội bán gạo cho thế giới. Trong giai đoạn này có thể lấy lại các cơ hội. DN cũng không tự làm nổi việc xúc tiến này đâu, cần Nhà nước hỗ trợ” - bà Chi góp ý.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trả lời ngay TP sẽ hỗ trợ mặt bằng cho hội làm hội chợ gạo, mời các nước đến tham quan tìm hiểu, mua gạo của mình, nếu đi các nước, ta tốn tiền nhiều mà chưa chắc hiệu quả bằng.

Một số ngành nghề lại cần Nhà nước hỗ trợ về mặt bằng sản xuất. Ông Lê Quang Doãn, Phó Chủ tịch Hội DN quận 7, cho biết DN nhỏ ngành giày cần rất nhiều nguyên phụ liệu, cần nhà cung cấp nhỏ. Những nhà cung cấp nhỏ đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Nhiều DN chỉ cần vài trăm mét vuông, trong khi ta lại xây dựng các khu công nghiệp toàn mặt bằng “khủng” vài ngàn mét vuông trở lên. Lẽ ra nên có mô hình mặt bằng nhỏ cho DN nhỏ thuê.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP, khẳng định đã có văn bản đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN, trong đó có nhắc đến mô hình “chung cư nhà xưởng” cho DN nhỏ.

Cần kết nối các DN nội địa
Ông Khoa cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ DN kết nối cung cầu. “Hải quan có danh mục DN nhập nguyên phụ liệu về sản xuất, hải quan cũng nắm được DN nào có khả năng xuất khẩu, vậy có thể công bố để giúp DN tiếp cận nhau, nội địa hóa sản phẩm. Nhà nước cũng cần hỗ trợ tổ chức hội chợ để các nhà sản xuất nguyên phụ liệu với DN xuất khẩu tìm được nhau”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hùng, Cục phó Cục Hải quan TP, cho biết nếu DN yêu cầu thì hải quan không cung cấp được nhưng thông qua Sở Công Thương hay cơ quan nào đó yêu cầu thì hải quan cung cấp được. DN nên có công văn ghi rõ yêu cầu gửi Sở Công Thương rồi Sở chuyển cho Cục Hải quan cung cấp chứ không công khai trên trang web toàn bộ được, vì đây là thông tin riêng của các DN xuất nhập khẩu.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, đề nghị TP nên có chính sách kêu gọi các nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, ta ưu đãi cái gì thì nói cụ thể ra để DN tiếp cận dễ dàng hơn. Về phía DN có thể chuyển sang dùng nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao để làm sản phẩm chất lượng cao chứ không làm hàng trung bình để xuất sang Trung Quốc nữa.

Ngân hàng đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho DN, ngay cả khi tỉ giá có biến động như thời gian qua. Đã có trên 400 DN, năm hợp tác xã vay vốn trong chương trình kết nối DN - ngân hàng, vay 10.300 tỉ đồng, lãi suất 9%-11%, hơn 3.000 tỉ đồng trong đó là vay nhằm cải tiến máy móc thiết bị. Về vay vốn không thế chấp thì có gần 170 DN đăng ký vay. Các hồ sơ đã được kiểm tra, có thể cuối tháng 6 này xem xét cho 49 DN vay, các DN khác thì xem xét tiếp.Ông ,


Nguồn Báo công thương


Sự kiện