Nhiều dự án lớn nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành một chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành.
Ban hành ngày 20/10, chỉ thị này cũng đi kèm một danh sách những dự án, nhà máy được coi là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đáng chú ý, đối với các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu phải xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, yêu cầu đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường, cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, trên cơ sở theo dõi, kiểm tra, tiếp tục báo cáo đề xuất những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cần kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có, để giảm phát thải, cải thiện môi trường.
Đồng thời, phải kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát quy chế quản lý môi trường hiện có hoặc xây dựng quy chế bảo vệ môi trường nội bộ. Lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.
Ngoài ra, các tập đoàn phải tổ chức kiểm tra đánh giá, báo cáo về việc khắc phục và xử lý các tồn tại và bất cập trong công tác bảo vệ môi trường một cách triệt để, trong giai đoạn 2016 - 2017.
"Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức quán triệt chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực và đơn vị của mình", chỉ thị nêu.
* Bản danh sách các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án nhà máy xử lý khí Cà Mau.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, dự án mỏ sắt Thạch Khê và dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Các công ty DAP số 1, DAP số 2, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất photpho và hóa chất thuộc khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) và Công ty Phân đạm Ninh Bình.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty May Việt Thắng.
Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy Giấy Bãi Bằng.
Nguồn VnEconomy