Thứ Tư | 09/05/2012 14:53

Nhiều dự án FDI lớn đổ vào lĩnh vực điện tử

Nokia, Wintek là 2 trong số những nhà đầu tư lớn đã đổ vốn vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam trong những tháng đầu năm 2012.
Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đang đổ vào điện tử, lĩnh vực dự kiến được lựa chọn để kêu gọi FDI giai đoạn 2011- 2015.

Dự án đình đám trước tiên, có thể kể đến là Nhà máy Sản xuất điện thoại di động, trị giá 302 triệu USD của Nokia, vừa chính thức được khởi công vào ngày 23/4 tại Khu công nghiệp - đô thị VSIP Bắc Ninh.

Sau đó đúng một ngày, tại Bắc Giang, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Wintek Việt Nam.

Được cấp chứng nhận đầu tư và rất nhanh chóng triển khai, Dự án sản xuất các loại màn hình cảm ứng cho điện thoại di động, với tổng số vốn đăng ký 250 triệu USD, của nhà đầu tư Đài Loan đã đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. 7.000 lao động đã đến làm việc cho Wintek, với doanh thu quý I/2012 đạt khoảng 287 tỷ đồng.

Đầu tư và kinh doanh hiệu quả, trong khi nhiều đơn hàng mới, lâu dài đã được ký kết, Wintek đã quyết định đầu tư mở rộng nhà máy ở Bắc Giang. Vốn đầu tư sẽ tăng lên tới 1,12 tỷ USD, dự kiến sử dụng 51.000 lao động và các sản phẩm của nhà máy cũng sẽ được đa dạng hơn, từ màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD), đến tấm cảm ứng (TP), rồi mô-đun hiển thị tinh thể lỏng (LCM)…

Đây là dự án FDI thuộc diện lớn nhất Bắc Giang cho tới thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, ở Nghệ An, vào cuối tháng 4, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị viễn thông Hitech BSE Việt Nam của Tập đoàn BSE (Hàn Quốc). Vốn đầu tư không lớn như hai dự án kể trên, chỉ khoảng 30 triệu USD và có thể sản xuất 250 triệu sản phẩm/năm.

Một dự án quan trọng khác, cũng trong lĩnh vực điện tử, dự kiến được khởi công trong tháng 6 tới, là nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử công nghệ cao của Kyocera (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên).

Nhà máy có tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 55 triệu USD này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 8/2013. Dù giai đoạn I còn chưa bắt đầu, song Kyocera đã chuẩn bị giai đoạn II, với việc sẽ đầu tư thêm 195 triệu USD để mở rộng sản xuất các sản phẩm SMD Package, điện thoại di động và phát triển phần mềm.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dồn dập các dự án FDI lớn trong lĩnh vực điện tử đã đổ vào Việt Nam.

Các dự án này được coi là đã và đang góp phần rất lớn cho phát triển công nghệ, thu hút việc làm, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi các nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới cùng đứng chân ở Việt Nam, sẽ tạo thêm lực hút kéo các nhà đầu tư vệ tinh tới. Và một điều chắc chắn, cũng sẽ góp phần tăng cường xuất khẩu.

Năm ngoái, chỉ riêng nhà máy điện thoại di động của Samsung đã xuất khẩu tới 5,8 tỷ USD, góp phần quan trọng đưa các sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử trở thành mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ hai cả nước.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện