Nhiều dự án FDI lớn đi vào hoạt động
Theo thông báo của ông Jean-Francois Laval, Phó chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus, dự kiến một số công đoạn sản xuất thiết bị cho máy bay Airbus tại Việt Nam sẽ được khởi công vào tháng 8 tới và sau đó sẽ đi vào lắp ráp.
Các thông tin chi tiết khác xung quanh kế hoạch này không được tiết lộ, nhưng việc Airbus sản xuất linh kiện ở Việt Nam đã làm “nóng” lên một ngành sản xuất khá mới mẻ ở Việt Nam.
Trước Airbus, Hãng Boeing cũng đã thông qua Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam (thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi - Nhật Bản) để sản xuất linh kiện máy bay ở Việt Nam từ năm 2008.
MHI đã từng mở rộng đầu tư và theo thông tin từ một đại diện của Hãng Boeing mới đây, tháng 6 tới, nhà máy của MHI sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, với quy mô khá lớn.
Sự xuất hiện của cả Airbus và Boeing, hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, ở Việt Nam, rõ ràng là đã “thổi” sinh khí mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với các lĩnh vực hoàn toàn mới, chứ không đơn thuần là các ngành công nghiệp truyền thống như trước.
Việt Nam đã có tên trên bản đồ ngành công nghiệp hàng không trên thế giới, cũng giống như với sự xuất hiện của Samsung, Nokia và LG, được “đứng chân” trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của các nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới.
Trong khi hai nhà máy của LG và Nokia sẽ chỉ ở quy mô nhỏ, thì với vốn đầu tư lên tới 5,7 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên toàn cầu của Tập đoàn Samsung. Tổng sản lượng sản xuất ở Việt Nam có thể chiếm tới 60% số lượng điện thoại di động mà Samsung bán ra trên toàn thế giới.
“Đây là điều chưa từng có ở Việt Nam từ trước tới nay. Và đó là xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI rất có lợi cho Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bình luận.
Theo thông tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ngày 10/3/2014, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, đã đi vào hoạt động. Và chỉ sau 20 ngày đi vào sản xuất, tính đến cuối tháng 3/2014, nhà máy này đã xuất khẩu được 90 triệu USD sản phẩm điện thoại di động các loại. Một con số rất đáng ghi nhận, hứa hẹn một kết quả xuất khẩu khả quan trong năm nay của SEVT. Dự kiến, năm 2014, cả hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD.
Việc nhà máy SEVT đi vào hoạt động đúng kế hoạch, có thể nói, đã góp phần đẩy tổng vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm nay đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó, cũng góp phần quan trọng để tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, hệ thống doanh nghiệp trong nước sản xuất đình trệ.
Không chỉ SEVT, 4 tháng qua đã ghi nhận nhiều dự án FDI đi vào sản xuất đúng tiến độ. Ngay từ đầu năm là nhà máy chuyên sản xuất các loại khung cửa, cửa sổ… của Lixil (Nhật Bản), vốn đầu tư 441 triệu USD. Mới đây nhất là nhà máy sản xuất hóa chất cũng ở Đồng Nai của Aureole Fine Chemical Products thuộc Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản), với vốn đầu tư 10 triệu USD. Hay nhà máy sản xuất bình nước nóng của Ariston (Italy) ở Bắc Ninh, vốn đầu tư 18 triệu USD…
Chưa kể, ở Hải Phòng, cũng có một loạt nhà máy mới của các nhà đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động. Chẳng hạn, nhà máy của Miki Industry Việt Nam, 7,5 triệu USD; hay Toyota Tshuno, 6,6 triệu USD; Vinomarine, 5,1 triệu USD; rồi Idemitsu, 32 triệu USD…
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt khoảng 30,35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính cả dầu thô, khu vực này đã xuất siêu tới 4,1 tỷ USD, trong khi khu vực trong nước nhập siêu 3,4 tỷ USD.
Nguồn Báo Đầu Tư