Thứ Sáu | 01/06/2012 15:55

Nhiều dự án FDI đình trệ vì giải phóng mặt bằng

Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang bị đình trệ vì những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Điển hình là dự án thép Tata (Vũng Áng, Hà Tĩnh), được ký kết hợp đồng từ năm 2007, tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Nhưng tới giờ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư do những vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thông tin từ Báo Đầu tư, diện tích chiếm dụng lên tới 900ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên số tiền ước tính cho giải phóng mặt bằng này là 4.000 tỷ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Tata ứng trước tiền giải phóng mặt bằng, thời điểm này năm 2011, Tata chỉ chấp thuận mức ứng trước là 30 triệu USD.

Ông Indronil Sengupta, đại diện của Tata đã cho biết, trong thời gian dài thương thảo như vậy, Tata nhiều lúc muốn rút khỏi Việt Nam. Hiện nay, tuy không có con số cụ thể ông Indronil Sengupta cho biết, sẽ chấp nhận tạm ứng ở con số "lớn hơn bất cứ số tiền nào mà các nhà đầu tư trước đó cam kết chi trả tại khu kinh tế này".

Tương tự với dự án Tata, là một dự án thép lớn khác - dự án Guang Lian (Dung Quất) của nhà đầu tư Đài Loan E-United. Dự án này sau đó còn được JFE Steel (Nhật Bản), công ty sản xuất thép lớn thứ 6 thế giới, lên kế hoạch sẽ cùng E-United. Tuy nhiên, sau khi E-United và JFE ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, và mặc dù chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi là sẽ cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho E-United trước, rồi sau khi JFE vào thì tiếp tục cấp phép điều chỉnh một lần nữa, song tới thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ văn bản nào được ký.

Năm 2007, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án là 50.000 đồng/m2, nhưng sau nâng lên tới 96.000 đồng/m2. Còn hiện tại, thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ - CP, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho  có thể gấp đôi, gấp ba lần như thế. Với chi phí cao như vậy thì việc giải phóng mặt bằng trở nên rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư tại Việt Nam là do tiền thuê đất rẻ hơn, nhưng lợi thế này đang mất dần.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra hôm 29/5 vừa qua, nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Theo Tiểu nhóm Công tác điện, chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường và cải tạo mặt bằng thường khá lớn, tùy vào quy mô của nhà máy và địa điểm, những chi phí này có thể lên tới trên 50 triệu USD. Hơn nữa, chính quyền địa phương nơi có đất lại tuyên bố rằng họ không có kinh phí giải phóng mặt bằng, do đó, nhà đầu tư buộc phải hoặc tự ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng và chịu rủi ro cùng dự án. Hoặc nhà đầu tư chọn chờ cho đến khi được phê duyệt mới bắt đầu đền bù, giải phóng mặt bằng. Công tác đền bù giải phóng mặt bừng tùy địa điểm, có thể kéo dài tới 2 năm hoặc hơn.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện