Nhiều đơn vị thu lợi từ thỏa thuận với “siêu lừa” Huyền Như
17h: Tòa nghỉ
16h40: Luật sư Hải bảo vệ Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, quê Phú Yên) - Cựu nhân viên ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Chi nhánh TP HCM cho rằng, Danh là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo tinh vi của Huyền Như.
Trong vụ án này Huyền Như đã làm trước tất cả những bộ hồ sơ mang đến ngân hàng VIB. Thủ đoạn của Huyền Như đã qua mặt được VIB. Ông Hải cho rằng, do Danh là nạn nhân vì giá như lãnh đạo VIB không chấp nhận giấy tờ làm sẵn của Huyền Như, thì Danh không phải ngồi trước vành móng ngựa.
Tiếp lời, ông Hải lại cho rằng, Danh là nạn nhân của sự lộn xộn trong những quy định hoạt động ngân hàng….
Từ các lập luận, ông Hải mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
16h25: Luật sư nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân (SN 1982, quê Lâm Đồng) - Cựu giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.
Ông luật sư cho rằng, bị cáo thừa nhận những sai sót. Tuy nhiên, theo ông luật sư, có hay không việc bị cáo Ngân phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng? Luật sư cho rằng việc quy kết tội đối với bị cáo ở tòa sơ thẩm là khiên cưỡng.
Tại phần tranh luận, bị cáo Phúc Ngân trình bày, bị cáo nhận thức là sai trong quy trình. Bị cáo Ngân xin xem xét hoàn cảnh lúc đó là nhân viên giới quyền nên phải làm theo chỉ đạo của Đoàn Lê Du (SN 1980, quê Kiên Giang) - Cựu Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. Theo như Ngân nói, khi phát hiện hồ sơ có một số vấn đề không đúng quy trình thì đã báo cáo lại nhưng Du bảo, đấy là khách của Huyền Như.
16h20: Luật sư Phương bào chữa cho Trần Thanh Thanh (SN 1980, quê Quảng Ngãi)
Cựu Phó phòng dịch vụ khách hàng. Bị cáo Thanh bị quy kết tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo luật sư Phương, bị cáo Thanh chưa được HĐXX cấp sơ thẩm xem xét hết yếu tố xin giảm nhẹ hình phạt.
Trình bày những yếu tố về nhân thân của bị cáo Trần Thanh Thanh, ông Phương mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
16h10: Về hậu quả thiệt hại đối với Công ty Thái Bình Dương trong hành vi của Phạm Anh Tuấn, ông Thiệp cho biết, giảm từ 80 tỷ xuống còn 21 tỷ do số tiền còn lại đã được thu hồi. “Đây là cơ sở xem xét giảm nhẹ thiệt hại cho bị cáo”, luật sư Thiệp trình bày.
Ngoài kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phạm Anh Tuấn kháng cáo giải tỏa kê biên căn nhà. Liên quan đến vấn đề này, vợ của bị cáo Tuấn – chị Đỗ Ngọc Diệp đã có đơn đề nghị giải tỏa kê biên.
Theo quan điểm của luật sư Thiệp, đây là tài sản của hai vợ chồng Tuấn và chị Diệp do sức lao động làm ra. Hiện nay đang là tài sản duy nhất của hai vợ chồng. Mặt khác chị Diệp không có trách nhiệm liên quan đến hành vi của Anh Tuấn và là người sở hữu hợp pháp một phần tài sản này.
Còn đối với trường hợp không có căn cứ bỏ lệnh kê biên, ông Thiệp đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho chị Diệp được hưởng phần hợp pháp chính đáng của mình tránh khó khăn phức tạp sau này.
Sau phần bào chữa của ông Thiệp, bị cáo Tuấn được nói lên ý kiến của mình. “Bị cáo luôn luôn xác định trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu doanh nghiệp, bị cáo không né tránh. Bị cáo luôn muốn một giao dịch tốt đẹp, không ngờ người giao dịch với bị cáo là người lừa đảo. Hiện bị cáo có con nhỏ, xin HĐXX xem xét để giảm trách nhiệm hình sự”.
15h10: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu bài bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương. Bị cáo Tuấn bị quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Trong phần bào chữa của mình, ông Thiệp cho rằng, xuyên suốt quá trình tố tụng trước đây, bản thân với tư cách là lãnh đạo của Công ty và bị cáo cảm thấy có trách nhiệm với sự việc mà mình gây ra. Tuy nhiên ông Thiệp cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm của bị cáo để định tội danh phù hợp.
Đối với kháng cáo của bị cáo Tuấn, ông Thiệp cho rằng là có căn cứ. Dẫn một số quy định về luật doanh nghiệp, quy chế công ty… ông Thiệp cho rằng, việc gửi tiền của Anh Tuấn là đúng với quy định được giao, việc làm không bị pháp luật cấm.
Đối với hành vi hưởng lợi 72 tỷ đồng mà bị cáo Tuấn kháng cáo, ông Thiệp cho rằng, việc quy kết số tiền hưởng lợi này thiếu chứng cứ và tồn tại những mâu thuẫn không thể lý giải được, như: Số liệu lãi suất ngoài hợp đồng có sự bất nhất; lời khai của Huyền Như, nhân viên của Huyền Như.
Ông Thiệp cũng đặt vấn đề rằng, đối với người lừa đảo như Huyền Như thì lời khai có đáng tin cậy không? Ông Thiệp mong HĐXX xem xét những lời khai của các bị cáo, nhân viên của Huyền Như liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Anh Tuấn.
Ông Thiệp đề nghị HĐXX xem xét lại chứng cứ và tài liệu để truy xét tội danh của Phạm Anh Tuấn. Trong khi hợp đồng cao nhất là 14%- 21% thì mới nhận được mức lãi 58 tỷ đồng. Trong khi đó, theo lời khai của Huyền Như, đã chi lãi suất ngoài hợp đồng 1,3% - 3% nhưng số tiền Tuấn được hưởng lại lên tới 72 tỷ. Đây là vấn đề ông Thiệp muốn VKS được lý giải.
14h40: Luật sư Lê Hồng Nguyên tiếp tục phần bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Vietinbank. Quan điểm của ông luật sư là mong HĐXX xem xét thấu đáo vụ án
14h00: Mở đầu phần bào chữa chiều nay, Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – đại diện của Vietinbank, đề nghị được nêu lên các vấn đề như: Quan hệ giữa Vietinbank với ACB và Navibank không phát sinh mối quan hệ nào; trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank về những giao dịch hợp pháp…
Quan điểm của đại diện Vietinbank cho rằng xuyên suốt toàn bộ vụ án đều thông qua những người trung gian để giao dịch trực tiếp với Huyền Như. Việc giao dịch được che lấp bởi những hợp đồng thật nhưng để che lấp những thỏa thuận ngầm phía sau, để hưởng lãi suất khổng lồ phía sau bản hợp đồng.
Theo quan điểm của đại diện Vietinbank mong muốn, HĐXX có một bản án đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ việc.
Nguồn VOV