Thứ Ba | 15/05/2012 12:20

Nhiều doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL phá sản, nợ hàng trăm tỷ đồng

Hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện đã phải giảm quy mô hoạt động, thậm chí tuyên bố phá sản.
Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, thành phố có 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng  nhiều doanh nghiệp trong số đó đang lâm vào cảnh phá sản, nợ nần với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.

Công ty TNHH An Khang tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, thành phố Cần Thơ là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên vỡ nợ với số tiền trên 300 tỷ đồng. Sau đó, đến lượt Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã nợ trên 241 tỷ đồng, trong đó tới 236 tỷ đồng nợ xấu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng mắc nợ hàng trăm tỷ đồng, hiện không có tiền mua cá, nên phải hoạt động cầm chừng, có nguy cơ chờ phá sản.

Theo thống kê, trung bình các nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ có công suất tối thiểu là 1.200 tấn cá/ngày, nhưng hiện hầu hết công ty hoạt động với công suất chỉ 400 tấn/ngày.

Tại An Giang, nơi có đến 21 nhà máy chế biến cá tra, thuộc loại lớn ở ĐBSCL cũng ở tình trạng tương tự.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy đã phải sa thải công nhân hàng loạt, giảm công suất, thậm chí ngưng hoạt động do làm ăn không hiệu quả. Ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết hiện có tới 70% doanh nghiệp thủy sản tại An Giang có nguy cơ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Tại Đồng Tháp, theo UBND tỉnh này, tính đến thời điểm này đã có tới 160 doanh nghiệp đóng cửa, trong đó 62 doanh nghiệp chính thức giải thể.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với nhiều nhà máy chế biến tôm và cá xuất khẩu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Nguồn Dân Việt


Sự kiện