Nhiều doanh nghiệp nội xin hoãn thuế chống phá giá thép ngoại
Phán quyết sơ bộ về áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu vừa được Bộ Công Thương đưa ra với mức cao nhất hơn 30%. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong nước lo ngại việc này sẽ khiến giá nguyên liệu sản xuất tăng vọt.
Ngay sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra phán quyết sơ bộ về việc sẽ áp thuế chống bán phá giá với một số loại thép không gỉ nhập khẩu, gần 20 doanh nghiệp ngành này đã gửi đi thông cáo chung phản hồi. Các đơn vị lo ngại nếu quyết định nêu trên được áp dụng, bản thân họ và người tiêu dùng Việt Nam sẽ rơi vào tình thế"vô cùng khó khăn và khó tránh khỏi bị thiệt hại không thể khắc phục".
Theo phân tích của doanh nghiệp, giá thép không gỉ nội địa hiện cao hơn 10-20% so với thị trường quốc tế. Do đó, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc) là đầu vào chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc áp thuế sẽ khiến các đơn vị này không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu có giá cạnh tranh. "Hệ lụy là doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn, hàng ngàn công nhân mất việc làm, thất thu hàng chục tỷ đồng ngân sách mỗi năm từ tiền thuế", thông cáo viết.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị cân nhắc áp thuế chống bán phá giá thép ngoại. Ảnh: VIR |
Cũng theo thông tin từ các đơn vị này, 2 doanh nghiệp là Posco VST và Hòa Bình Inox hiện chiếm tới 81,1% thị phần thép không gỉ nội địa. Việc áp thuế chống bán phá giá theo đó, sẽ đặt thị trường thép trong nước dưới sự kiểm soát của 2 hãng này.Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, thông cáo cho rằng việc áp thuế sơ bộ sẽ làm tăng giá mặt hàng đồ gia dụng inox, tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Khẳng định, việc doanh nghiệp kiện chống bán phá giá là "hoàn toàn bình thường", song gần 20 doanh nghiệp thép đề nghịBộ Công Thương cân nhắc thận trọng về việc phê chuẩn lệnh áp thuế.
"Cần xem xét việc dành cho doanh nghiệp nhập khẩu một khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị trước thời điểm bắt đầu áp thuế, nếu có, và tính toán mức độ thiệt hại làm cơ sở để điều chỉnh mức thuế chống phá giá trên cơ sở xem xét đến tỷ lệ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp trong nước", văn bản đề xuất.
Trước đó, sau 5 tháng điều tra, ngày 3/12, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố Báo cáo sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu.Mức thuế chống bán phá giá thép không gỉ đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia dự kiến dao động 6,45%-14,38%. Riêng một doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) bị áp thuế cao nhất tới hơn 30%.
Cuộc điều tra chống bán phá giá bắt đầu từ tháng 7/2013 sau khi Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Mâu thuẫn trong ngành thép nổ ra khi có gần 20 doanh nghiệp trong ngành thép cho rằng áp thuế chống bán phá giá sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước khi giá nguyên liệu tăng cao.
Nguồn Vnexpress.net