Nhiều doanh nghiệp niêm yết xin hạ chỉ tiêu kinh doanh
Quyết định này được đưa ra khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của PGI chỉ đạt vỏn vẹn 3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này chỉ bằng 4% so với kết quả đạt được trong cùng kỳ năm 2012 và bằng 2,2% so với chỉ tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGI, hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2013 là năm khó khăn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP Đầu tư Tài chính Giáo dục (EFI) đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2013 với 25 tỷ đồng doanh thu và 15,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Song, kết thúc quý 2-2013, EFI mới chỉ đạt được 9,1 tỷ đồng doanh thu (tương đương 36% kế hoạch) và 4,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tương đương 27% kế hoạch).
Với kết quả như vậy, cuối tháng 8-2013 vừa qua, Hội đồng quản trị EFI đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu giảm xuống còn 18,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm còn 8,3 tỷ đồng. Với kế hoạch đã được điều chỉnh này, kết quả doanh thu và lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm của EFI tương đương lần lượt 49% và 50,6%.
Trong những tháng đầu năm 2013, các ngành thủy sản cũng gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá đầu ra và tìm kiếm thị trường gặp sự cạnh tranh gay gắt. Chính bởi vậy nên hết quý 2-2013, doanh thu của Công ty CP Thủy sản Mekong (AAM) mới chỉ đạt 122,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2,36 tỷ đồng, tương đương lần lượt 23,5% và 9,4% so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Nhận thấy tình hình các tháng cuối năm sẽ không có nhiều khởi sắc, ngày 19-9, AAM đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013. Theo đó, doanh thu giảm từ 520 tỷ đồng xuống còn 450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng giảm từ 25 tỷ đồng xuống còn 10 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ từ cũng giảm từ 15% bằng tiền mặt xuống mức 10%.
Đặc biệt nhất là trường hợp Công ty CP Cao su Thống Nhất (TNC) khi từ đầu năm đến nay đã 2 lần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, tại Đại hội cổ đông thường niên, TNC đặt kế hoạch doanh thu là 202 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 43 tỷ đồng. Song, đến cuối tháng 6-2013, hội đồng quản trị của TNC đã điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu xuống còn 186 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xuống còn 33,5 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, tại phiên họp ngày 10-9, Hội đồng quản trị công ty lại tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó, doanh thu tiếp tục giảm xuống còn 170 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng lên mức 40 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính bán niên 2013 đã soát xét của TNC, trong 6 tháng đầu năm 2013, công ty đạt 73,4 tỷ đồng doanh thu và 29,8 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp xin hạ chỉ tiêu lợi nhuận, Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) có mức giảm mạnh nhất. Theo đó, phiên họp hội đồng quản trị ngày 1-10 đã thông qua việc giảm doanh thu từ 91,7 tỷ đồng xuống còn 26,4 tỷ đồng (giảm 71%), lợi nhuận sau thuế cũng giảm 94%, từ mức 21 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, IVS ghi nhận doanh thu 13,6 tỷ đồng và lãi sau thuế 262 triệu đồng, giảm lần lượt 18% và 78% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp xin giảm chỉ tiêu kinh doanh, Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (VHG) lại gây bất ngờ khi điều chỉnh kế hoạch từ lỗ thành lãi. Theo đó, kế hoạch ban đầu do đại hội cổ đông VHG thông qua là 200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận âm 20 tỷ đồng và không chia cổ tức. Tuy nhiên, đại hội cổ đông bất thường được tổ chức ngày 31-8 đã thông qua phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức là 10%.
Tổng giám đốc VHG Trần Xuân Hiếu cho biết, công ty đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính (sản xuất nhựa, composite, cáp quang, cáp điện) đã đi vào ổn định và tạo được lợi nhuận tốt.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là khó tránh khỏi, song với những trường hợp sai số quá lớn, nhà đầu tư sẽ phải đặt ra câu hỏi về khả năng hoạch định của ban quản trị doanh nghiệp, qua đó, gây ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Nguồn Báo Hải quan