Thứ Sáu | 07/12/2012 15:07

Nhiều doanh nghiệp họ Viglacera báo lỗ

Viglacera Thăng Long có nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ; Viglacera Đông Triều , Viglacera Đông Anh cũng báo lỗ trong quý III/2012.
Với khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 30/9/2012 lên tới 117 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 48 tỷ đồng, Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long ( TLT) đang bị đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định hiện hành.

Do bán hàng chậm, TLT đã cho dừng sản xuất một dây chuyền, để tập trung bán hàng tồn, tạo dòng tiền cho sản xuất, nhưng tình hình cũng không mấy cải thiện. Tại thời điểm ngày 30/9, tổng hàng tồn của Công ty là 73 tỷ đồng, tồn kho nguyên vật liệu, bán thành phẩm gần 34 tỷ đồng, tiền mặt gần như không còn.

Trong khi đó, vay nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm trên lên tới 166,3 tỷ đồng. Nếu quý IV/2012, tình hình kinh doanh không cải thiện, TLT chắc chắn bị hủy niêm yết theo quy định hiện hành.

Ngoài TLT, Công ty cổ phần Viglacera Đông Triều ( DTC) cũng có khoản lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 55,32 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng lên 37 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ đồng là thành phẩm.

Theo báo cáo tài chính của DTC, công ty hiện có gần 109 tỷ đồng nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả, 38 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng. Trước tình hình kinh doanh ế ẩm, giá cổ phiếu hiện còn 4.800 đồng/cổ phiếu, DTC đã thực hiện chốt danh sách cổ đông xin ý kiến về việc hủy niêm yết tự nguyện.

Triển vọng kinh doanh và tình hình tài chính tại Công ty cổ phần Viglacera Đông Anh ( DAC) cũng không sáng sủa hơn hai công ty nêu trên. Công ty báo lỗ trong 9 tháng đầu năm 2012 là 1,7 tỷ đồng, tiêu thụ giảm gần 45% so với cùng kỳ năm 2011.

Ông Hoàng Kim Bồng, Chủ tịch DAC cho biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, Công ty đã giảm giá để kích thích tiêu thụ sản phẩm và giá bán, nhưng vẫn không đạt kế hoạch. Đặc biệt, do lãi suất ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm 2011, nên chi phí tài chính quý III/2012 của DAC tăng 289 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, cũng có Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long ( VHL), Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn ( VIT) và Công ty cổ phần Viglacera Bá Hiến (Vĩnh Phúc) lãi trở lại trong quý III/2012.

Tâm lý e ngại về tình hình kinh doanh ế ẩm trong nửa đầu năm 2013 đang đặt các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và doanh nghiệp thuộc Viglacera nói riêng vào tình trạng không biết xoay xở theo hướng nào. Trong khi đó thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu ấm lên.

Nguồn Báo đầu tư


Sự kiện