Chủ Nhật | 13/10/2013 21:17

Nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ

Báo cáo soát xét 6 tháng là sự gia tăng số doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ, thậm chí chênh hơn 2.000 tỷ.
Theo số liệu thống kê từ Công ty Dữ liệu và Phân tích StoxPlus, báo cáo 6 tháng của hơn 700 doanh nghiệp niêm yết trên sàn cho thấy có 120 doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ, tăng 10% so với 2012 (108 doanh nghiệp). Dẫn đầu là nhóm vật liệu và xây dựng (35 doanh nghiệp), kế đến là công ty chứng khoán và dịch vụ tài chính, công nghệ, tài nguyên.

Đứng đầu trong top 5 doanh nghiệp có chênh lệch nhiều nhất là Công ty cổ phần xây lắp dầu khí. Theo báo cáo soát xét bán niên, PVX có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 1.618 tỷ, chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân do mức lỗ lũy kế tới ngày 30/6 là 2.540 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ.

6 tháng đầu năm công ty lỗ sau thuế là 1.577 tỷ đồng. Trong báo cáo soát xét, kiểm toán lưu ý lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm 705 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn tại ngày 30/6 là 1.589 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn 1.030 tỷ đồng. Các vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của công ty trong 12 tháng tới.

Đứng thứ 2 là Công ty chứng khoán Sacombank (SBS). Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng, đơn vị này có vốn điều lệ xấp xỉ 1.267 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu âm 239 tỷ đồng do lỗ lũy kế tính đến 30/6 tới 1.764 tỷ đồng. Kiểm toán cũng lưu ý vấn đề này và cho rằng tỷ lệ vốn khả dụng tại ngày 30/6 không đáp ứng yêu cầu theo quy định của thông tư 226/2010TT-BTC của Bộ Tài chính về chỉ tiêu an toàn tài chính.

Ngoài ra, công ty còn tồn đọng các khoản nợ phải trả chưa xử lý. Các vấn đề này gây ra mối nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động trong tương lai gần. Mặc dù ban giám đốc lập ra phương án tái cấu trúc và khôi phục tài chính, tuy nhiên việc tái cơ cấu SBS xem ra không đơn giản, vì không chỉ phụ thuộc vào bản thân công ty, mà còn phụ thuộc vào các “đối tác” có liên quan.

Đứng thứ ba là Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn (mã CK: PSG). Theo báo cáo soát xét 6 tháng, công ty có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu âm 43 tỷ đồng, nợ phải trả 1.034 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 63 tỷ đồng. Kiểm toán lưu ý nợ ngắn hạn vượt tài sản lưu động 328,5 tỷ đồng, nợ gốc quá hạn của các khoản vay tại tổ chức tín dụng 247 tỷ đồng và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Công ty công nghệ viễn thông Sài Gòn (mã CK: SGT) do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng ghi nhận mức chênh lớn giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Theo báo cáo soát xét 6 tháng, công ty có vốn điều lệ 740 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu 411 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng của công ty mẹ vẻn vẹn hơn 2 tỷ đồng.

Cuối top 5 là Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp (mã CK: SHN) có vốn chủ sở hữu là 33 tỷ đồng, trong khí đó vốn điều lệ 324 tỷ đồng. Trong báo cáo soát xét hợp nhất 6 tháng, kiểm toán lưu ý một loạt các vấn đề về trích lập dự phòng và thu hồi, thanh toán khoản nợ của công ty.

Ngoài top 5, các công ty còn lại có chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ nằm ở mức dưới 200 tỷ đồng và thấp nhất là 100 triệu đồng. Sau thời gian hoạt động, vốn chủ sở hữu của công ty thấp hơn nhiều so với vốn điều lệ đăng ký ban đầu. Kinh doanh của các doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm 2013 đa phần bị lỗ.

Đánh giá về tình hình trên, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho hay, chuyện doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ hiện không hiếm. “Nhưng tôi nghĩ những đơn vị này còn may mắn vì nhiều trường hợp bị âm hẳn vào vốn, tức là doanh nghiệp chỉ còn nợ”, ông Khánh nói thêm.

Số liệu mới đây vừa công bố từ Bộ Tài chính cho thấy, đến 30/9, trong số những doanh nghiệp còn hoạt động tại Việt Nam, đến 66% làm ăn thua lỗ và không đóng nổi thuế, thu ngân sách Nhà nước cũng chỉ đạt 57% kế hoạch. Ông Khánh cho rằng, thực tế này phản ánh nền kinh tế còn rất khó khăn, địa phương kinh doanh hiệu quả nhất ở TP HCM cũng chỉ có 4.000 doanh nghiệp hồi phục, chưa kể hàng nghìn công ty khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Tất cả những yếu tố này góp phần khiến số lượng doanh nghiệp lỗ ngày một gia tăng, ông Khánh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, những doanh nghiệp như vậy vẫn có thể tiếp tục được đầu tư, điều quan trọng nhất nằm ở chiến lược của mỗi người. “Chẳng hạn những công ty đã bị âm vốn, nhưng vẫn còn khả năng trả nợ, hoặc có một khoản nào đó có thể bù đắp lỗ hay bán tài sản lấy tiền thì nguồn vốn cũng sẽ tăng trở lại. Trường hợp này thấy rõ nhất đối với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như sản xuất tàu thủy, bất động sản. Ban đầu họ có thể bị lỗ, nhưng sau đó bán được sản phẩm và dần gỡ lại vốn”, ông Khánh cho biết. Một số ngành tiềm năng, theo ông Khánh, có thể là nguyên vật liệu, tài chính ngân hàng, vận tải, năng lượng.

Trường hợp khác, nếu không đặt mục tiêu vào giá trị doanh nghiêp, nhưng nhìn thấy giá có khả năng bị đẩy lên trong ngắn hạn nhờ đội lái, nhà đầu tư cũng có thể tranh thủ mua và phải xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể trước khi ra quyết định mua cổ phiếu những công ty này, ông Khánh nói.

Nguồn vnexpress


Sự kiện