Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 232.200 tỉ đồng. Ảnh: KD.

 
Việt Hà Thứ Năm | 20/07/2023 17:03

Nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư công

Tỉ lệ giải ngân năm 2023 có khả năng chỉ tương đương năm 2022 ở mức 85% so với kế hoạch.

Đầu tư công vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn. Theo Tổng cục thống kê, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 232.200 tỉ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ và bằng 33% kế hoạch Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân được đánh giá là khá tích cực khi vẫn tiếp tục đà tăng qua từng tháng, kỳ vọng sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm.

 

Kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư công với vai trò trụ cột của nền kinh tế. Tuy vậy tỉ lệ giải ngân 6 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ (6 tháng năm 2022 đạt 35,2%) chủ yếu do những vấn đề về công tác chuẩn bị và giải phóng mặt bằng. 

Theo đó, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tỉ lệ giải ngân năm 2023 có khả năng chỉ tương đương năm 2022 ở mức 85% so với kế hoạch. Theo KBSV, để đạt được mức này thì 6 tháng cuối năm phải hoàn thành giải ngân 384.900  tỉ đồng, gấp 1,66 lần so với thực hiện nửa đầu năm. Do kế hoạch đề ra năm nay tăng cao so với năm ngoái, hoàn thành 85% kế hoạch cũng là một thách thức lớn và đòi hỏi nhiều biện pháp quyết liệt và kịp thời từ Chính phủ.

“Điểm tích cực là chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư công cho năm 2023 bao gồm: giá hàng hoá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt; các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu khiến đầu tư công quay trở lại làm điểm tựa; năm thứ 3 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thường được đẩy mạnh, khi mà các nhà thầu đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị và làm thủ tục để tiến hành thi công”, KBSV nhận định. 

 

Về mặt tăng trưởng chung của nền kinh tế, KBSV đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5% (so với mức 5,4% trong báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô trước đó). Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: 1) Động lực từ đầu tư công; 2) Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; 3) Tiêu dùng nội địa phục hồi nhờ các chính sách kích cầu; và 4) Giải ngân FDI kỳ vọng tương đương năm 2022.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục ảm đạm trước diễn biến suy yếu của kinh tế Mỹ và EU, bên cạnh đó thị trường bất động sản trong nước vẫn trầm lắng và chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm là những yếu tố rủi ro kìm hãm đà tăng trưởng của GDP.

Có thể bạn quan tâm 

Một công ty chứng khoán vừa báo lãi gấp gần 10 lần cùng kỳ