Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm dự báo sẽ tăng tốt. Ảnh: KD.
Nhiều điểm sáng trong bức tranh vĩ mô những tháng cuối năm
Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 8 đã cho thấy sự cải thiện tốt hơn từ các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư công tăng tốc; vốn FDI đầu tư vào Việt Nam gia tăng; chỉ số PMI trở lại trên 50 điểm; khách quốc tế hồi phục. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến vĩ mô trong nước. Khu vực sản xuất, xuất khẩu vẫn suy giảm so với cùng kỳ, nhu cầu tiêu dùng nội địa chững lại. Trong báo cáo mới nhất về tình hình vĩ mô, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đã chỉ ra những điểm sáng cho nửa cuối năm 2023.
Theo tổ chức này, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm dự báo sẽ tăng tốt nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp có thể cải thiện trở lại sau khi đã giảm 20% trong quý I và 16% trong quý II; đặc biệt so sánh với nền cùng kỳ thấp 6 tháng cuối năm 2022. Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành sẽ phục hồi trong các tháng cuối năm.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất đã và đang giảm quay trở lại nền trước khi thị trường tăng lãi suất cùng kỳ năm trước. Trong môi trường lãi suất thấp sẽ giúp hỗ trợ kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cũng như kích thích dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán như đã được minh chứng trong các giai đoạn trước đó. Thống kê số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7 đạt hơn 150 nghìn tài khoản (cao nhất trong 1 năm gần đây). Các doanh nghiệp bluechips sẽ được hưởng lợi lớn nhất nhờ yếu tố dòng tiền tham gia thị trường.
Đầu tư công, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế cũng đang cho thấy nhiều cải thiện. Tiến độ giải ngân đầu tư công tăng tốc trong các tháng gần đây được đánh giá sẽ giúp nhiều ngành hưởng lợi trong đó nổi bật như nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, xây dựng. Tuy nhiên, cần lưu ý câu chuyện đầu tư công mang tính kỳ vọng và có thể chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh 2023. Một số cổ phiếu đã có mức tăng giá tốt trong thời gian qua trong khi kết quả kinh doanh chưa theo kịp.
Cùng với đó là một số chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ kinh tế như chính sách tăng lương tối thiểu, tăng thị thực e-visa, giảm thuế VAT, giảm lãi suất điều hành,... kỳ vọng sẽ tạo ra câu chuyện đầu tư với những nhóm ngành liên quan.
Đầu tư công có nhiều cải thiện. Nguồn: Agriseco Research. |
Dẫu vậy, khu vực sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn và suy giảm nhiều tháng liên tiếp, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Kết quả kinh doanh nhiều nhóm ngành nửa đầu năm thua lỗ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm nay thì tốc độ tăng trưởng trong 2 quý cuối năm cần đạt khoảng 9-10%; đây là mục tiêu rất thách thức. “Dư địa có thể đến từ các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ kỳ vọng thẩm thấu vào nền kinh tế”, Agriseco Research nhận định.
Ở chiều ngược lại, tỉ giá là yếu tố cần lưu tâm khi tăng mạnh trong 2 tháng gần đây và chỉ cách đỉnh cũ hồi tháng 10/2022 khoảng 2% kết hợp với việc khối ngoại đang bán ròng liên tục kể từ tháng 4 tới nay, đây là một trong những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường chứng khoán các tháng cuối năm.
Thêm vào đó, tình hình vĩ mô quốc tế đang diễn biến phức tạp, FED tiếp tục tăng lãi suất, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, áp lực suy thoái tại nhiều quốc gia. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 8