Thứ Tư | 03/07/2013 15:21

Nhiều dịch bệnh trên tôm do thiếu quản lý giống

Dịch bệnh tôm chết sớm, hoại tử gan tụy trên tôm hoành hành từ đầu năm đến nay gây thiệt hại cho sản xuất và xuất khẩu.
Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, các trại nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước sử dụng 30 tỷ con giống. Để đảm bảo chất lượng số giống này phải cần tới 200.000 tôm bố mẹ nhập khẩu, song thực tế chỉ có 67.959 tôm bố mẹ được nhập về. Do đó, có một lượng lớn tôm thẻ chân trắng bố mẹ các cơ sở đưa vào sản xuất không rõ nguồn gốc.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất tôm thẻ chân trắng nhập ít tôm bố mẹ nhưng sản xuất được rất nhiều giống. Hệ quả là tình trạng dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua. Đặc biệt, “bệnh lạ” gây chết tôm thẻ chân trắng hàng loạt thời gian trước đây khiến người dân rất lo lắng khi nuôi trồng.

Tuy nhiên, giữa tháng 6 vừa qua, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) chính thức cho biết nguyên nhân “bệnh lạ” trên là Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm (AHPNS), tác nhân là Vibrio. Bước đầu, một số giải pháp khắc phục hội chứng AHPNS được đề xuất và đang tiến hành.

Theo Tổng cục Thủy sản, công tác phòng chống dịch bệnh tôm dù được triển khai sớm, nhưng giai đoạn đầu còn tản mạn, hạn chế về định hướng tổ chức triển khai nhiệm vụ, các đơn vị tham gia chưa thực sự huy động hết nguồn lực, cơ chế quản lý, phối hợp chưa tốt. Việc ban hành các văn bản quản lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về con giống còn chậm gây khó khăn trong công tác quản lý.

Nhiều trại giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, công tác kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức hoặc chỉ kiểm tra bằng cảm quan. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn yếu, hệ thống thủy lợi vùng nuôi chưa đảm bảo; một số nơi chưa tuân thủ mùa vụ nuôi, thả giống sớm; công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản còn thiếu nguồn lực, chưa tập trung và thiếu định hướng nên hiệu quả thấp.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện