Nhiều đại gia rút khỏi nông nghiệp
Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần Gemadept mới đây, Hội đồng quản trị công ty đã trình nhà đầu tư kế hoạch thoái vốn khỏi các mảng không phải là cốt lõi. Công ty sẽ bán hết dự án trồng cây cao su, cây công nghiệp và bất động sản khi có cơ hội thuận lợi. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, cây cao su tiêu tốn quá nhiều tiền của công ty trong khi lại không phải là lĩnh vực cốt lõi.
Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept từng cho rằng trồng cao su là cách giúp công ty tăng trưởng mạnh. Từ 2012 đến nay dự án trồng cây cao su ở Campuchia vẫn khả quan và đạt được một số thành quả nhất định. Năm 2013, Gemadept được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000ha và công ty cũng đã trồng được gần 8.000ha cao su. Tuy nhiên, nhìn vào tuổi cây cao su, sớm nhất cuối năm 2016 Gemadept mới có thể tiến hành khai thác mủ. Như vậy, lĩnh vực cao su vẫn đang tiêu tốn tiền của Gemadept trong khi lợi nhuận lại là ẩn số.
Không chỉ Gemadept, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên đầu tư thanh long, cao su có trụ sở ở TP HCM cũng ngậm ngùi cho biết đã lỗ hàng trăm tỷ đồng vì giá bán hai loại nông sản này giảm mạnh, xuất khẩu trồi sụt. Gần đây, sau một thời gian cố gắng cầm cự, ông đã quyết định rao bán hàng nghìn hécta cao su bên Campuchia để cắt lỗ.
Theo vị này, tình hình cao su thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó, công nghiệp hóa dầu ngày càng phát triển nên cao su thiên nhiên đang dần hạn chế sử dụng. Do đó, nếu không có hướng chuyển đổi kịp thời ông sẽ bị âm vốn nặng. Còn riêng về thanh long, sau khi đầu tư hẳn một nhà máy chiếu xạ phục vụ cho thị trường xuất khẩu, hiện cũng phải thu hẹp quy mô hoạt động do thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua và đòi hỏi khắt khe hơn.
Dù mới chỉ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp không bao lâu khi trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (mã CK: HAI), nhưng Công ty cổ phần liên doanh quốc tế KLF mới đây đã thoái hết 24,5% cổ phần. Nguyên nhân được công ty đưa ra là để đẩy mạnh và tập trung vào lĩnh vực đầu tư bất động sản cùng một số dự án khả thi hơn.
Trước đó, cũng chính H.A.I còn phải nhận lời chia tay từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khi thoái 49,96% cổ phần tại doanh nghiệp. Ông lớn đại diện cho nguồn vốn Nhà nước này đồng thời cũng đã rút lui khỏi khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như: Giống cây trồng Trung ương (NSC), Bao bì và in nông nghiệp (INN), Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC)…
Bên cạnh những doanh nghiệp trên, hiện nay trên thị trường một số đại gia lớn trong lĩnh vực bất động sản, điện máy sau một thời gian rẽ hướng đầu tư vào nông nghiệp cũng đang khá lay lắt và dần muốn thoái bớt một vài mảng có dấu hiệu đi xuống để cắt lỗ.
Nhận xét về tình hình trên, chuyên gia kinh tế Huy Nam nhìn nhận, xu hướng doanh nghiệp thoái vốn khỏi nông nghiệp thời gian gần đây có vẻ như là phản ứng nhất thời, trong đó một phần do tình trạng nông sản ùn ứ, thiếu kênh tiêu thụ, cao su rớt giá, thiếu chính sách của Chính phủ cho nông nghiệp đã phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Riêng với nhóm ngành cao su, diễn biến giá bấp bênh và kênh tiêu thụ gặp khó đã kéo dài trong 2-3 năm gần đây. Trong khi đó, vốn đầu tư cho loại cây này lại cao, kéo dài nên đã "chôn" khá nhiều vốn của doanh nghiệp. Hiện giá cao su trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nên đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp muốn dừng "cuộc chơi" với mong muốn cắt lỗ.
Ở một khía cạnh khác, với những doanh nghiệp đầu tư tài chính, khi lợi nhuận từ mảng đầu tư kém hiệu quả họ sẽ tính toán kỹ lưỡng và nhanh chóng thoái vốn để di chuyển dòng tiền sang những khoản đầu tư có sinh lời cao hơn.
"Khó có thể đưa ra được con số chính xác về mức sinh lời của các ngành kinh doanh khác nhau, thậm chí, trên thế giới hiện cũng chưa có thống kê nào. Tôi tin nông nghiệp vẫn sẽ là kênh hấp dẫn, bởi lẽ, minh chứng rõ nét nhất là vẫn khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm nông nghiệp và thu được lợi nhuận tốt", ông Nam nói.
Ông khuyên, để đầu tư nông nghiệp hiệu quả, ngoài việc học cách làm bài bản như các nước trên thế giới, doanh nghiệp cần nghiên cứu tìm đầu ra, dự báo nhu cầu thị trường để tránh gặp phải tình trạng cầu ít mà cung nhiều.
Nguồn Vnexpress