Nhiều cường quốc quân sự “ngỏ ý” hợp tác hải quân với Việt Nam
Cách đây ít ngày, ngoại trưởng Mỹ John Kery đã thông báo với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về việc Mỹ "rất lo ngại" về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông John Kerry gọi hành động hạ đặt giàn khoan cũng như đưa các tàu đến khu vực bảo vệ giàn khoan trái phép ở ngoài khơi Việt Nam là hành động "khiêu khích", "gây tổn hại đến hòa bình và trong khu vực".
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, những vấn đề này "cần được giải quyết thông qua đối thoại, không phải bằng sự đe dọa".
Ngay sau tuyên bố của Nhà Trắng, mới đây, đại diện Hạm đội 7 - hạm đội lớn nhất trong các hạm đội triển khai tiền phương của Hoa Kỳ đã phát đi thông cáo "ngỏ ý" muốn hợp tác cùng Hải quân Việt Nam.
Trong một email trả lời phỏng vấn hãng Reuters, ông William Marks - người phát ngôn của Hạm đội 7 cho biết: "Chúng tôi quan tâm đến việc hợp tác với tất cả các đối tác ở Biển Đông và mong muốn tăng cường các chuyến thăm cảng biển Việt Nam".
Viên chức này nói rằng, Hải quân Mỹ cũng mong muốn tiến hành các cuộc tập trận với Hải quân Việt Nam vốn đang sở hữu các tàu chiến hiện đại và tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất.
Theo Reuters, một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn ở ngoài khơi vùng biển Việt Nam diễn ra hồi năm 2013 là lần đầu tiên Mỹ và Việt Nam cùng phối hợp thực hiện.
"Chúng tôi lúc nào cũng có thể tăng độ khó của cuộc diễn tập, điều này sẽ giúp tăng cường thông tin liên lạc và khả năng tương tác giữa hai lực lượng hải quân. Mục tiêu chung là phối hợp cùng nhau để tăng cường an ninh và đảm bảo ổn định trong khu vực", ông William Marks nhấn mạnh.
Các quan chức Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7, hiện đang có mặt ở Biển Đông.
Trong khi đó, Reuters dẫn nhận định của ông Carl Thayer, một chuyên gia về quân sự Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Úc cho rằng đây là "lựa chọn duy nhất" vào lúc này và sẽ có lợi ích "lâu dài cho Việt Nam".
Trong một diễn biến khác, Chuẩn đô đốc Pascal Ausseur, Tổng cục trang bị vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Pháp cũng cho biết, hoạt động kiểm soát vùng biển đối với những nước như Việt Nam là cực kỳ quan trọng.
Việt Nam sẽ cần radar, máy bay tuần thám, máy bay trực thăng để thực hiện công vụ trên biển. Trong khi đó Pháp có sản xuất các trang thiết bị giúp thực hiện những nhiệm vụ trên vùng biển. Pháp sẵn sàng hợp tác phát triển hoặc chuyển giao các thiết bị này cho các cơ quan quân đội Việt Nam.
"Pháp cũng có liên quan về an ninh trong khu vực Biển Đông, do đó chúng tôi sẽ thực hiện những hợp tác và hỗ trợ có thể, để đảm bảo an ninh khu vực. Việc Việt Nam và Phap có thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược cũng biểu hiện sự quan tâm về mặt chiến lược của chúng tôi trong khu vực", ông này khẳng định.
Cũng theo lời Chuẩn đô đốc Pascal Ausseur, hiện Pháp không hợp tác về mua bán vũ khí với Trung Quốc vì nước này đang chịu sự cấm vận vũ khí của EU, mà Pháp là thành viên.
Trung Quốc có thực sự mạnh như "tin đồn"
Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong thời gian qua. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong vòng 25 năm.
Không thể phủ nhận, Bắc Kinh đang xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ, phát triển máy bay chiến đấu tàng hình, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm thử nghiệm hoạt động viễn chinh.
Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc một cách nhanh chóng cùng với chính sách đối ngoại ngày càng khiêu khích đã khiến một số nhà hoạch định chính sách phương Tây xem Bắc Kinh là đối thủ duy nhất có thể đánh bại Mỹ trong một số trường hợp.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng đó là nhận định sai lầm, thậm chí, sau nhiều thập kỷ tái vũ trang tốn kém, Trung Quốc vẫn chỉ là "con rồng giấy".
Theo GS. Kyle Mizokami, lực lượng hải quân của Trung Quốc có lẽ là trong tình trạng tốt nhất nhưng triển vọng không nhiều. Các tàu khu trục của quân đội Trung Quốc khá mới nhưng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Liêu Ninh lại là một con tàu cũ do Liên Xô chế tạo những năm 1980. Liêu Ninh chỉ bằng một nửa kích thước và mang được ½ số máy bay chiến đấu so với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Ngoài ra, Liêu Ninh thiếu trang bị radar và máy bay tiếp nhiên liệu… |
Theo GS. Kyle Mizokami, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh và quân sự châu Á, rất ít thông tin về độ chính xác và tính hiệu quả của các vũ khí Trung Quốc tự chế tạo.
Từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, Bắc Kinh nhận ra rằng họ phải tự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Thế nhưng, đó không phải là điều dễ dàng. Nhiều vũ khí "mới" của Trung Quốc thực sự là thiết kế của nước ngoài mà các công ty nhà nước của Bắc Kinh được cấp phép, sao chép.
Có thể kể đến trực thăng Changhe Z-8 của Trung Quốc được thiết kế ban đầu từ Super Frelon của Pháp, xe tăng Type 99 là một phiên bản nâng cấp từ xe tăng T-72 của Liên Xô.
Tất nhiên Trung Quốc vẫn có thể tự phát triển được các thiết bị phần cứng quân sự. Chỉ có điều chất lượng của các sản phẩm này khó có thể được kiểm chứng.
Điển hình máy bay chiến đấu tàng hình J-20 nước này đang phát triển nhưng hệ thống tàng hình của nó rất khó đánh giá chính xác, trong khi các hệ thống điện tử, động cơ của nó đều có vấn đề. Có thể phải đến năm 2021, J-20 mới có thể chiến đấu được ở tuyến đầu.
Theo nhận định của GS. Kyle Mizokami, khi nói đến sự phát triển vũ khí, Trung Quốc đã khởi đầu ở một ví trí khá xa so với Nga cũng như phương Tây và đang vật lộn để bắt kịp. "Và có lẽ họ không bao giờ bắt kịp được", ông nói.
"Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, có tham vọng, ngân sách quốc phòng thuộc loại khủng, tuy nhiên vẫn chỉ là"gã khổng lồ" nhiều vấn đề. Chính vì vậy "con rồng giấy" không thể đặt ra mối đe dọa lớn đối với phần còn lại của trong thời gian dài", GS. Kyle Mizokami nhận định.
Nguồn Người Đưa Tin