Thứ Sáu | 06/09/2013 08:04

Nhiều cổ phiếu lớn bị loại khỏi danh mục margin

Số lượng công ty có lợi nhuận sau soát xét bị âm tăng, khiến số lượng cổ phiếu không được margin cũng tăng mạnh.
Trong tháng 8/2013, gần hết các công ty niêm yết đã công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét 2013, cơ sở quan trọng nhất để quyết định đưa cổ phiếu vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Số lượng công ty có lợi nhuận sau soát xét bị âm tăng lên, khiến số lượng cổ phiếu không được margin cũng tăng mạnh.

Ngày 30/8/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) công bố danh sách bổ sung 3 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2013 là số âm, gồm: ITC (Công ty Cổ phần Đầu tư - Kinh doanh Nhà), VLF (Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long) và VNE (Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam).

Như vậy, chỉ trong 3 ngày liên tiếp (27, 29 và 30/8) đã có thêm 8 công ty (nâng tổng số lên 72 công ty và 2 quỹ MAFPF1 và VF4 do NAV dưới mênh giá) không được giao dịch ký qũy (margin).

Đây là những cổ phiếu rơi vào một trong các trường hợp không đủ điều kiện để được giao dịch ký quỹ: thời gian niêm yết dưới 6 tháng; bị rơi vào diện cảnh báo, tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết; chậm công bố báo cáo tài chính; kết quả kinh doanh lỗ (lỗ trong 6 tháng đầu năm hoặc có lỗ lũy kế đến 30/6/2013).

Trong đó, có đến 48 công ty có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2013 và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2013 trên báo cáo tài chính bán niên 2013 đã được soát xét là số âm.

Trên sàn HNX, số lượng cổ phiếu không được margin cũng tăng mạnh, lên tới 128 công ty, tăng 62 công ty so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là nhiều công ty lớn cũng không được margin: BSI (Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV - thuộc diện cảnh báo), KBC (Công ty Cổ phần Kinh Bắc - diện cảnh báo), SJS (Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - diện kiểm soát) và CII (Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM - có lợi nhuận sau thuế là số âm).

Ngành dầu khí góp mặt 5 gương mặt đều thuộc diện cảnh báo là PTL, PXI, PXM, PXL và PXT.

Ngành dệt may có: TCM (Công ty Cổ phần Dệt may đầu tư, thương mại Thành Công - diện cảnh báo) cũng không được margin. Mới nhất là trường hợp của CTV (Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại Việt Nam, không được giao dịch ký quỹ kể từ ngày 28/8 do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2013 âm 490 triệu đồng).

Ngành than có 3 cổ phiếu là: TKV (Công ty Cổ phần Than Cao Sơn- lỗ 67 tỷ đồng), TDN (Công ty Cổ phần Than Đèo Nai-TKV, lỗ 62 tỷ đồng) và TC6 (Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu-Vinacomin, lỗ 54 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2013).

Nhóm công ty bất động sản và xây dựng có khá nhiều công ty thua lỗ và cổ phiếu không được margin như: EMC (Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức), HOM (Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai), HU1 (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 1), TKC (Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ) và LGC (Công ty Cổ phần Cơ khí điện Lữ Gia).

Đầu năm 2013, nhằm tăng thanh khoản thị trường và hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBCK sửa đổi tỷ lệ ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ ban đầu không được thấp hơn 50% (mức cũ là 60%) và tỷ lệ ký quỹ duy trì không được thấp hơn 30% (mức cũ là 40%), hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2013.

Theo Quy chế do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, tỷ lệ ký quỹ ban đầu là tỷ lệ giữa tài sản thực có (trước khi thực hiện giao dịch) so với giá trị hợp đồng giao dịch (dự kiến thực hiện) tính theo giá thị trường.

Tỷ lệ ký quỹ duy trì là tỷ lệ tối thiểu giữa tài sản thực có so với tổng tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nới rộng tỷ lệ ký quỹ cùng với thi trường đón nhận nhiều thông tin vĩ mô tích cực, lãi suất vay ký quỹ giảm mạnh, giúp giao dịch ký quỹ đã tăng lên, thanh khoản được cải thiện đáng kể trong cuối quý 1 và hai tháng đầu quý 2/2013, một số phiên thanh khoản đã đạt mức 2.500-3.000 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, giao dịch ký quỹ lại giảm khá mạnh do số lượng các công ty không được margin tăng mạnh mà nguyên nhân chính là do kết quả kinh doanh sa sút, tiếp tục thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013 theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2013.

Đặc biệt đáng lưu ý là trong năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ những công ty chứng khoán vi phạm trong việc mở tài khoản giao dịch ký quỹ “chui” (Quy chế không cho phép) cho các cổ đông lớn, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và những người có liên quan đến các đối tượng này, bởi trong năm 2012, một số công ty chứng khoán đã cho phép thành viên hội đồng quản trị dùng hàng triệu cổ phiếu đang sở hữu làm làm tài sản thế chấp tại chính công ty chứng khoán của mình để vay hàng trăm tỷ đồng sử dụng vào mục đích khác, không phải để thực hiện giao dịch ký quỹ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ “soi” những công ty chứng khoán “ưu tiên” một số nhà đầu tư “VIP” tiếp tục vay giao dịch ký quỹ mặc dù các nhà đầu tư này không bảo đảm tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Những cổ phiếu không còn nằm trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ nhưng công ty chứng khoán vẫn thực hiện cho vay mới và vẫn cho phép nhà đầu tư dùng cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay mới, sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng kiểm soát chặt chẽ các công ty chứng khoán có đủ 6 điều kiện quy định để thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ hay không.

Trong đó, có 3 điều kiện tiên quyết: công ty chứng khoán phải đảm bảo không có lỗ lũy kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, có tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 6 lần và tỷ lệ vốn khả dụng của công ty chứng khoán phải lớn hơn 150% trong 3 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp báo cáo thực hiện giao dịch ký quỹ.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện