Nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Kazakhstan
Tại Diễn đàn “Kinh doanh với thị trường Kazakhstan” do VCCI tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội, ông Dương Hoàng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương khẳng định, ngay sau khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Kazakhstan sẽ có nhiều điều kiện hợp tác và cơ hội phát huy thế mạnh của mình hơn nữa.
Nhiều tiềm năng hợp tác
Đánh giá về sự giao thương giữa hai nước, ông Minh cho rằng, hiện mặt hàng mua bán giữa hai nước còn hẹp. Đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp. Trong khi đó, hai bên lại có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác, như cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá không cạnh tranh mà có tính bổ sung cho nhau rõ rệt.
Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác, hai bên đã ký kết “Kế hoạch hành động chung giữa Việt Nam và Kazakhstan giai đoạn 2011-2013″ trong đó nêu rõ mục tiêu củng cố hợp tác chính trị và kinh tế – thương mại giữa hai bên. Theo kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2013, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng tăng với tốc độ trung bình 85%/năm. Đặc biệt, ngày 29/5/2015 FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu (VEAFTA) được ký kết. Đây là một FTA thế hệ mới, toàn diện, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2016. Do đó, về tổng thể, đối với thương mại hàng hóa, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực 90% dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0%, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương hiện nay.
Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện, hàng nông sản, hàng thủy sản, máy móc phụ tùng và sắt thép các loại. Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: kim loại, quặng và khoáng sản. Có thể nhìn thấy, cả hai nước đều có những tiềm năng lớn để đẩy mạnh hợp tác song phương. Nền kinh tế hai nước mang tính chất bổ sung lẫn nhau. Trong thương mại, Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu của Kazakhstan về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, hải sản, may mặc, giày dép, dược phẩm và y tế, thiết bị điện, máy tính và linh kiện máy tính… Nền kinh tế Kazakhstan thiên về xuất khẩu nguyên liệu và có thể cung cấp cho Việt Nam kim loại, da nguyên liệu, lông thú và các sản phẩm từ lông thú, hóa chất, cao su, máy móc thiết bị cho ngành công nghiệp khai khoáng… Những mặt hàng nêu trên là những mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu trong khi Kazakhstan lại đang có lợi thế.
Những điều cần chú trọng
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội mà VEAFTA mang lại, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cũng khuyên doanh nghiệp hai bên cần chú trọng tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của Hiệp định để có thể thụ hưởng một cách hiệu quả các ưu đãi mà hai bên dành cho nhau, đồng thời chuẩn bị kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của hai bên.
Thứ hai, khoảng cách địa lý là một trở ngại đáng kể và các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần phải khảo sát kỹ lưỡng các tuyến đường, phương tiện vận tải và kho tàng bến bãi để đảm bảo có chi phí cạnh tranh thấp nhất.
Thứ ba, hiện nay khâu thanh toán song phương có phần gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cần có quan hệ chặt chẽ với các Ngân hàng Việt Nam, tìm hiểu kỹ những dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, để giải quyết những khó khăn trong khâu thanh toán hiện nay giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh.
Thứ tư, EAEU là thị trường có yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vì vậy, để có thể tăng trưởng xuất khẩu bền vững vào thị trường, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đạt trình độ kỹ thuật phù hợp, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của Liên minh về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng cần bổ sung các cán bộ có khả năng sử dụng tiếng Nga tốt, hiểu biết về thị trường để làm đầu mối làm việc với các doanh nghiệp Liên minh.
Thứ năm, một vấn đề hết sức quan trọng nữa mà các doanh nghiệp hai bên cần quan tâm triển khai trong thời gian tới là, tăng cường các hoạt động nghiên cứu thị trường của nhau, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ – triển lãm để nâng cao sự hiểu biết về thị trường, khách hàng, qua đó tìm kiếm, thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác kinh doanh.
Theo ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam – Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương chưa được như mong muốn mặc dù đang có chiều hướng gia tăng những năm gần đây. Do đó, hai bên cũng nên xem xét đến việc thành lập liên doanh tại mỗi nước.
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp