Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ hôm nay 1/7
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp, phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Cùng với đó, Nghị định cũng cấm cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp. Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, với một lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp, để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác.
Bên cạnh những quy định trên, Nghị định cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. Tiền ký quỹ cũng được nâng lên mức 5 tỷ đồng so với mức tối đa 1 tỷ đồng theo quy định trước đây. Cụ thể, Nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính...
Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2014.
Quy định mới về hoàn thuế cho người nước ngoài
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 72/2014/TT-BTC, quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh.
Theo Thông tư quy định, hàng hoá được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải đáp ứng một số quy định như Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương hoặc Danh mục hàng hoá xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP; hàng hoá không thuộc đối tượng cấm đưa lên tàu bay quy định tại Điều 12 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29/6/2006.
Cũng theo quy định mới này, trị giá hàng hoá ghi trên hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại 1 cửa hàng trong 1 ngày (kể cả cộng gộp nhiều hoá đơn mua hàng trong cùng 1 ngày tại 1 cửa hàng) tối thiểu từ 2 triệu đồng trở lên.
Số tiền thuế GTGT người nước ngoài được hoàn bằng 85% trên tổng số tiền thuế GTGT của số hàng hóa đủ điều kiện được hoàn thuế GTGT do người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu hoàn thuế.
Ngoài ra, thời điểm hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài xuất cảnh được thực hiện ngay sau khi người nước ngoài hoàn thành thủ tục kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế tại quầy hoàn thuế của ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế và trước giờ lên tàu bay/tàu biển của chuyến bay.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014.
Kinh doanh vận tải biển phải có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng
Kể từ ngày 1/7, nếu kinh doanh vận tải biển quốc tế phải có vốn hoặc tài sản khác tối thiểu tương đương 20 tỷ đồng và 5 tỷ đồng nếu kinh doanh vận tải biển nội địa.
Đó là một trong những nội dung chính tại Nghị định số 30/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, người kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển theo quy định của pháp luật và chỉ được kinh doanh vận tải biển sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển.
Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách lĩnh vực lai dắt tàu biển phải có kinh nghiệm trong hoạt động lai dắt tàu biển tối thiểu là 2 năm. Người phụ trách pháp chế doanh nghiệp phải có bằng đại học chuyên ngành luật hoặc tương đương và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật tối thiểu 2 năm.
Đặc biệt, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải có tối thiểu 2 tàu lai dắt chuyên dụng.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập công ty liên doanh kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014.
Đội mũ bảo hiểm rởm sẽ bị phạt
Triển khai kế hoạch số 69 của Ủy Ban ATGT quốc gia, kể từ ngày 1/7, các lực lượng chức năng sẽ chính thức thực hiện đồng loạt xử lý người ngồi trên xe máy, xe mô tô, xe đạp máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách, mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.
Theo đó, người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có tem CR, không có nhãn hàng hóa...), sẽ bị cho là không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt với mức tương tự như không đội mũ bảo hiểm, từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Nguồn VnMedia