Nhiều chiêu lách trần lãi suất
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn của toàn hệ thống trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng gần 4% so với cuối năm ngoái, trong khi đó tín dụng mới tăng 0,1%. Trước đó trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng huy động vốn cũng đã gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng.
Tưởng rằng với diễn biến như vậy, các ngân hàng đang rơi vào tình trạng thừa vốn và không cần huy động. Thế nhưng trên thực tế, tại nhiều ngân hàng, hoạt động huy động vốn không chỉ được đẩy mạnh bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn mà còn bằng các chiêu thức lách trần lãi suất tinh vi.
Thỏa thuận lãi suất
Trong vai một người đi gửi tiền với khoản tiền tiết kiệm 500 triệu đồng, người viết liên hệ với một loạt ngân hàng để hỏi về lãi suất thì đều nhận được những lời chào mời hấp dẫn. Tại một số ngân hàng lớn, mức cộng cho khoản tiền trên 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng, phổ biến từ 0,3% - 0,5% so với trần, tức 7,8% - 8%/năm. Ở một số ngân hàng nhỏ, mức cộng phổ biến là 1%, cá biệt có ngân hàng cộng tới 1,5%.
Ngoài ra, được biết tại một số ngân hàng, khoản tiền gửi chỉ cần trên 100 triệu đồng là đã có mức cộng tương đối khá, từ 0,5% - 1%. Còn với khoản tiền lớn trên 1 tỷ đồng, hầu hết các ngân hàng đều có phần cộng cho khách, lãi suất tối đa là ngang mức huy động kỳ hạn trên 1 năm.
Thắc mắc về việc ngân hàng đang thừa vốn mà vẫn huy động cao với giám đốc chi nhánh của một ngân hàng có hội sở chính tại Hà Nội, vị này cho biết, thực tế các ngân hàng không thừa tiền như vậy. Dù cho vay gặp khó nhưng ngân hàng vẫn đẩy mạnh hút tiền, thứ nhất là để đảm bảo thanh khoản, thứ hai là để bù đắp cho các khoản nợ xấu, thứ ba là để phục vụ cho các khoản đầu tư khác và cuối cùng là để giữ chân khách hàng.
Hỏi thêm về “các khoản đầu tư khác” được đề cập đến, vị này từ chối tiết lộ chi tiết nhưng cũng cho biết, không loại trừ có việc ngân hàng đem tiền gửi lẫn nhau.
Còn theo giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng khác có hội sở tại Tp. Hồ Chí Minh, không hẳn người gửi tiền cứ mang một khoản lớn đến ngân hàng là được ưu đãi lãi suất, mà phải là khách quen hoặc có sự giới thiệu đảm bảo. “Rút kinh nghiệm từ việc có ngân hàng đã bị ‘chơi’ lãi suất, nên giờ đây chúng tôi rất cẩn trọng, khách vãng lai đến chỉ được hưởng đúng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn ngắn, bất kể đó là bao nhiêu tiền”, vị này nói.
Lách trần tinh vi
Trên giấy tờ, khách hàng gửi tiền lãi suất vẫn là 7,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 – 11 tháng, lãnh lãi cuối kỳ. Để chi trả khoản chênh lệch theo thỏa thuận, ngân hàng có nhiều cách khác nhau.
Một số nhà băng chi trả phần chênh lệch bằng cách cho khách hàng tham gia các chương trình khuyến mại như tri ân khách hàng, gửi tiết kiệm giờ vàng, gửi tiền trúng thưởng, mở sổ tiết kiệm tặng tặng thẻ ATM có tài khoản sẵn…Có ngân hàng lại chi trả phần cộng thêm cho khách hàng bằng tiền mặt ngay khi mở sổ tiết kiệm…
Tuy nhiên cách phổ biến nhất khi các ngân hàng vượt trần lãi suất là mở sổ tiết kiệm kỳ hạn dài cho khách, lãnh lãi hàng tháng và chỉ cần qua 1 kỳ lãnh lãi, khách hàng có thể được rút gốc!
Theo giám đốc chi nhánh của một ngân hàng nằm trong tốp 10, khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn được thả nổi thì ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc huy động tiền gửi cao mà vẫn không vi phạm quy định của NHNN.
Còn theo một nguyên cán bộ cấp cao của NHNN, hiện đang làm cố vấn cho 2 ngân hàng thương mại cổ phần, sở dĩ việc lách trần vẫn diễn ra phổ biến là bởi nhà băng phải huy động tiền gửi của người mới để trả cho người cũ, vì các khoản tiền người cũ gửi, đã cho vay rồi nhưng chưa đòi lại được.
Gửi tiết kiệm vẫn là số 1
Nói chuyện với người viết, một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tâm sự, trong bối cảnh hiện nay, giữ vàng và gửi ngân hàng sẽ sinh lời hơn cả. Tuy nhiên giá vàng còn quá cao so với thế giới, tới 4 triệu đồng/lượng, trong khi xu hướng lại khó đoán, nên nếu có tiền thì gửi tiết kiệm là khôn ngoan nhất.
Hầu hết các chuyên gia cũng nhận định rằng, khi bất động sản còn đóng băng và khả năng xuống tiếp, thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá vàng còn cách xa so với thế giới thì nhu cầu gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vẫn là ưu tiên số 1 đối với hầu hết người dân có tiền nhàn rỗi.
Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng luôn dành một khoản tiền gửi tiết kiệm để dự phòng và lấy lãi chi thưởng cuối năm. Thậm chí có những doanh nghiệp còn coi gửi tiết kiệm là khoản đầu tư chính để thu lợi khoảng 10%/năm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất ngưng trệ, tiêu thụ yếu, lãi suất cho vay còn ở mức cao như hiện nay.